CCB hiến đất xây trường
*Vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Thông và Trần Thị Mận trước ngôi trường do ông bà hiến đất tại ấp Tân Mỹ, xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. *
Nhiều người dân tại đây nhớ như in việc phụ huynh học sinh phải bơi xuồng đưa con em đến lớp để học trong một căn phòng tre lá ọp ẹp, tối tăm, nguy hiểm mỗi khi mưa to, gió lớn tại điểm lẻ trường Tiểu học Mỹ Hương B (ấp Tân Mỹ), nhưng cũng chỉ đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh lớp 1 và 2. Thấy vậy năm 2004, ông Thông đã bàn với gia đình tự nguyện hiến 120m2 đất cạnh nhà để xây dựng 1 phòng học khang trang giúp các em có được nơi học tươm tất, an toàn.
Bà Lê Thị Loan, ngụ ấp Tân Mỹ nhớ lại: “Hồi đó, nghe anh Thông hiến đất xây phòng học, bà con mừng hết lớn, nhất là mấy đứa nhỏ hết nơm nớp lo sợ mỗi khi mưa giông, gió lớn. Mà nhà “ảnh” có dư giả gì đâu. Vậy mà sẳn sàng hiến đất. Bà con cảm động lắm”.
Chưa dừng lại ở đó, trước nhu cầu phát triển trường lớp để học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 không phải vượt trên 4 km đường sông hay đường sình trơn trượt đến trường tại trung tâm xã Mỹ Hương, năm 2010 ông Thông đã quyết định hiến đất lần 2 với diện tích 740m2 đất còn lại của gia đình mình để trường xây dựng tiếp tục 3 phòng học khác (cạnh phòng học đã hiến lần trước) giúp hàng trăm học sinh vùng quê sâu có những phòng học khang trang, không phải mất nhiều thời gian đi xa như trước lại luôn đảm bảo an toàn trên đường đến lớp.
Bà Trần Thị Mận - người bạn đời của ông Thông vui vẻ nói: “Nghe “ổng” bàn chuyện hiến đất xây trường, tui và 2 đứa con đồng ý liền. Mình hiến đất để tụi nhỏ ăn học ngon lành, sau nầy trở thành người hữu ích để xây dựng quê hương mình. Tiền bạc ai không cần nhưng mình phải biết hy sinh vì sự nghiệp khuyến học, khuyến tài chớ” - bà nói rất vui.
Hiệu trưởng điểm B trường Tiểu Học Mỹ Hương - Lê Thanh Tâm xúc động nói : “nếu không có sự cống hiến trên 860m2 đất trị giá trên 100 triệu đồng để xây dựng 4 lớp học của vợ chồng chú Thông, cô Mận thì học sinh tại đây sẽ rất vất vã dẫn đến tình trạng bỏ học giữa chừng. Không chỉ vậy, dù không có bất kỳ khoản bồi dưỡng, hỗ trợ nào nhưng chú Thông, cô Mận tự nguyện làm công việc bảo vệ các lớp học, sửa chữa nhỏ bàn ghế, cửa chính, cửa sổ, cổng rào rất đáng trân trọng”.
Trương Thanh Liêm