CCB “giữ hồn quê”
CCB Nguyễn Đắc Nông bên những cối đá cổ trong Bảo tàng.
Đến thăm “bảo tàng” của CCB Nguyễn Đắc Nông ở thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, tôi không khỏi choáng ngợp vì những hiện vật được trưng bày. Trải dài từ cổng vào đến sân là hơn 700 hiện vật bằng đá, chủ yếu gồm cối giã gạo, trục đá, cối xay bột, ngõng giã gạo… Có chiếc cối đường kính miệng rộng đến bảy mươi phân, nhẵn thín. Nhiều chiếc cối đã thủng đáy, chứng tỏ được dùng nhiều năm.
Trong nhà trưng bày, hiện vật vô cùng đa dạng. Trước hết là dụng cụ lao động của cư dân trồng lúa nước, phải kể đến cày, bừa. Từ cày 51 đến cày chìa vôi, bảo tàng đều có cả. Đặc biệt có một chiếc lưỡi cày nguyên thủy bằng đồng. Nhiều chiếc bừa, nhìn vào đã thấy đọng lại thời gian xa xưa. Nhiều chiếc cối xay lúa vẫn còn sử dụng được. Thuyền gặt lúa, dụng cụ đánh bắt cá, chõ đồ xôi của đồng bào dân tộc thiểu số cũng được chủ nhân sưu tầm. Hàng chục chiếc mõ trâu như đưa ta về với rừng núi, với bản làng…
“Bảo tàng” còn có nhiều đồ cổ. Đồ gốm có hơn 50 hiện vật từ thời Lý, Trần, Lê. Bát đĩa có chiếc với niên đại từ thời Hán (Trung Quốc) đã qua thẩm định của các nhà chuyên môn. Gần 50 chiếc mâm gỗ, mâm đồng, thau đồng cũng đều có niên đại sớm. Bên cạnh đó có rìu đồng, rìu đá của người nguyên thủy, hơn 2kg tiền cổ có niên đại hàng trăm năm.
Trong nhà trưng bày có rất nhiều hiện vật chiến tranh: Một mảnh cọc Bạch Đằng trong trận chống quân Nam Hán năm 938 do Ngô Quyền lãnh đạo. Hàng chục súng kíp, kiếm của nghĩa quân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo. Chiếc xe đạp thồ vẫn còn nguyên biển số đã từng phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Xem chiếc ca uống nước “Quyết Thắng” được Bác Hồ tặng chiến sĩ Điện Biên, càng thấy tình thương của Người với bộ đội. Trong bảo tàng còn có hàng chục hănggô, bình tông của người lính trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Đèn măng xông, đèn bão, đèn dầu hỏa có gần một trăm chiếc nói lên cuộc sống thời bao cấp vô cùng thiếu thốn, khó khăn.
Để có được số hiện vật như hôm nay, CCB Nguyễn Đắc Nông tâm sự: “Sau giải phóng miền Nam, tôi ra quân, trở về dạy học, vì trước đó học Đại học Sư phạm, môn Toán. Tiếp đó được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Giáo dục, rồi Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế, trước khi về hưu là Phó giám đốc Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh Bắc Giang… Từ rất lâu rồi tôi đam mê sưu tầm đồ cổ. Là nhà giáo nên tôi có suy nghĩ làm một cái gì đó để lại cho học sinh cũng như thế hệ mai sau. Sau hơn 30 năm vất vả mới có được số hiện vật như hôm nay”.
Ông Nông cho biết: lần đầu tiên đi mua đồ cổ là đôi chum sành mà người dân vớt được trên sông Sỏi, trên địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế. Hỏi mua nhưng người chủ không bán, đành dồn hết tiền, trả giá cao và sau nhiều lần đi lại ông đã có được nó. Mang về đi thẩm định chữ Hán khắc trên chum thì có niên đại từ thời nhà Lê. Năm 2006, CCB Nguyễn Đắc Nông nghỉ hưu. Từ đó, ông càng có điều kiện đi sưu tầm cổ vật. Với chiếc xe máy cũ, ông rong ruổi khắp nơi trong và ngoài tỉnh để tìm cổ vật. Trong bộ sưu tập của ông có rất nhiều hiện vật bằng đá: cối giã gạo, trục đá, ngõng cối đá… có chiếc nặng hàng tạ. Ông cho biết: “Tôi tập trung sưu tập đồ bằng đá vì món này trường tồn với thời gian, dễ bảo quản. Bây giờ không ai còn giã gạo bằng cối đá, có người để cối hàng năm trời dưới hiên nhà nhưng họ không bán”. Chỉ một chiếc cối ông nói: “Chiếc cối này tôi phải đi lại hơn chục lần mới mua được”.
Với hàng trăm hiện vật bằng đá, có người hỏi mua, trả giá cao, nhưng ông không bán. Ông chia sẻ thêm: Tôi sưu tầm và trưng bày những hiện vật này là để giữ gìn hồn quê cho đời sau; muốn học sinh hiểu lịch sử qua các hiện vật, chứ không để làm giàu.
Với sự đa dạng và phong phú các hiện vật, “Bảo tàng” của CCB Nguyễn Đắc Nông là địa chỉ thường xuyên lui tới của các thầy cô giáo và học sinh từ bậc Tiểu học đến Trung học phổ thông trong huyện Yên Thế và nhiều trường học trong tỉnh Bắc Giang. Nhiều tiết học môn Lịch sử được đã được tiến hành tại đây. Học sinh vô cùng hứng thú thấy thông qua hiện vật mà hiểu và nhớ hơn lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta từ ngàn năm xưa. Thấy được sinh hoạt hằng ngày và cuộc sống của cư dân trồng lúa nước hết sức vất vả…, đặc biệt là sự tàn khốc của hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ.
Hằng năm đón hàng chục đoàn học sinh đến tham quan học tập, CCB Nguyễn Đắc Nông bộc bạch: “Thế là tôi đã thành công”. Cô giáo Hoàng Thị Hạnh - Hiệu trưởng Trường THPT Yên Thế tâm sự: “Là một trường miền núi, mọi điều kiện phục vụ cho dạy và học còn khó khăn hơn những trường ở thị xã, thành phố. Nhưng rất may cho chúng tôi là trên địa bàn có “Bảo tàng” của CCB Nguyễn Đắc Nông. Nhiều lần nhà trường đã đưa các em học sinh vào tham quan, học tập ở đây. Học sinh thấy rất hứng thú với bộ môn Lịch sử ”. Có Việt kiều về nước cũng đến thăm “Bảo tàng”. Sinh viên một số trường đại học từ Hà Nội cũng đã tìm đến để lấy tư liệu phục vụ cho học tập, nghiên cứu.
Một “Bảo tàng” tư nhân, chủ yếu lưu giữ hiện vật bằng đá của CCB Nguyễn Đắc Nông có sức thu hút, giá trị giáo dục và lan tỏa rộng như thế thật đáng trân trọng.
Đào Hồng