CCB Đoàn Văn Khanh - “Hương bưởi” xứ Châu Thành

CCB Đoàn Văn Khanh (bên phải) tại xưởng bào chế tinh dầu bưởi.

Những thành quả mà ông Tư Khanh - tên thường gọi của CCB Đoàn Văn Khanh - thương binh hạng 2/4, ấp Mỹ Phú, xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, nhận được ngày hôm nay là sự hội tụ từ ý chí vươn lên của người lính, sự cần mẫn của một “lão nông tri điền” và tấm lòng nhân từ của một lương y.

Hết mình vì việc chung

Tham gia cách mạng từ năm 10 tuổi, sau khi bị thương ở cánh tay phải, không còn khả năng chiến đấu, chàng thanh niên 16 tuổi Đoàn Văn Khanh được về địa phương làm Xã đội phó, rồi giữ chức Xã đội trưởng. Năm 18 tuổi, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng. Trước khi về hưu với tỷ lệ mất sức là 61%, xếp hạng thương binh 2/4, ông từng đảm nhiệm các chức vụ Phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành và Giám đốc Sở Lâm sản tỉnh Tiền Giang.

Không nghỉ ngơi, ông tiếp tục gắn bó với công tác CCB. Trong hơn 10 năm, ông Tư Khanh đã đề ra nhiều kế hoạch, giải pháp cụ thể, thiết thực vận động CCB giúp nhau làm kinh tế. Ông vận động hội viên góp vốn xoay vòng, xây dựng quỹ đồng đội trong các phong trào “Bao gạo đồng đội”, “Mái tôn thay lá”, “Câu lạc bộ 5 triệu đồng”…, khi ấy được nhiều địa phương học tập làm theo. Ông còn bàn bạc trong Ban Chấp hành Hội trích quỹ mua dê giống, thỏ giống nhờ các hội viên khá giả nuôi để sau đó thu dê con, thỏ con tặng hội viên nghèo. Với cương vị Chủ tịch Hội CCB xã, ông dùng 6 công đất của mình thế chấp ngân hàng 600 triệu đồng để giúp hội viên chăn nuôi heo. Nhờ sự năng động, sáng tạo của ông Khanh mà nhiều anh em đã thoát nghèo và trở nên khấm khá.

Nhận Bằng Tiến sĩ danh dự ở tuổi lục tuần

Năm 2006, tin đồn ăn bưởi có nguy cơ bị ung thư đã gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho nông dân trồng bưởi ở tỉnh Tiền Giang. Nhìn cây bưởi rơi vào tình cảnh đó, ông Tư Khanh xót xa. Từng nghe nói đến một số bài thuốc dân gian trị bệnh từ bưởi, vậy là ở tuổi 50, ông Tư Khanh xin nghỉ công tác Hội, khăn gói lên T.P Hồ Chí Minh tham gia học một lớp Đông y để “giải oan” cho cây bưởi.

Quá trình nghiên cứu để bào chế ra các sản phẩm từ bưởi không suôn sẻ, nhiều lần ông bị thất bại. Nhưng sau nỗ lực không ngừng nghỉ, thành công đã mỉm cười với ông. Hiện ông đã bào chế thành công hơn 20 sản phẩm từ bưởi, dừa sáp và cây thuốc Nam trong vườn nhà. Tiêu biểu là tinh dầu bưởi kích thích mọc tóc, trị hói đầu; nước bưởi ép cô đặc uống để trị nám da mặt, đồng thời trị bệnh máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ... Đến nay, các sản phẩm của Doanh nghiệp tư nhân Long Thuận do ông làm chủ đã có mặt tại 14 nước trên thế giới và hơn 40 đại lý trên toàn quốc, đem lại cho ông khoản lợi nhuận hằng năm hơn 7 tỷ đồng.

Đặc biệt, việc bào chế thành công chất bảo quản từ những thảo dược thiên nhiên đã giúp sản phẩm của ông đứng vững trên thị trường. Ông tâm sự: “Tôi chỉ học từ tự nhiên thôi mà. Để trả lời cho câu hỏi: Con ong nó có biết chất bảo quản là gì đâu mà mật của nó để một hai năm vẫn không bị hư, tôi đến Trung tâm Nghiên cứu ong để tìm hiểu kiến thức, cách phân chia công việc của đàn ong. Rồi tôi nhờ những người nuôi ong chỉ cho đâu là con ong chuyên lấy mật, đâu là con ong chuyên lo chế biến mật. Sau thời gian dài theo dõi, bám theo bầy ong, cuối cùng tôi cũng tìm được bí quyết bảo quản mật của lũ ong. Hoá ra, đó chỉ là một loại lá cây vô cùng quen thuộc”.

Tháng 1-2018, Công trình nghiên cứu Sản phẩm tinh dầu hoa bưởi đặc biệt của ông vinh dự nhận Bằng Tiến sĩ danh dự của Trường đại học Florida (Hoa Kỳ). Với ông, một nguồn động viên lớn nữa chính là những phản hồi của khách hàng sau khi sử dụng các sản phẩm của mình. Ông cười hóm hỉnh kể với chúng tôi: “Có ông khách gọi điện “bắt đền” tôi vì vợ ông ấy sau khi dùng tinh dầu hoa bưởi trẻ ra nhiều quá! Niềm vui của tôi là mang sức khỏe và hạnh phúc đến cho nhiều người”.

Giúp đỡ người khó khăn là lẽ sống

Ông luôn tâm niệm: Cách nào cũng là để làm giàu nhưng làm giàu trên con bệnh và sự đau đớn của người khác thì tôi không làm được. Bệnh nhân bị bệnh mãn tính ở các nơi “nghe tiếng thơm” đã tìm đến để được ông chữa và cho thuốc miễn phí.

Ngoài hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm bưởi cho bà con nông dân, ông còn thường xuyên đóng góp và vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng “Nhà tình thương”, “Nhà nghĩa tình đồng đội”, “Cột đồng đội”... cho gia đình Người có công. Mỗi năm, ông Tư Khanh trích hàng trăm triệu đồng mua gạo tặng đồng đội có hoàn cảnh khó khăn và bà con nghèo vào dịp Tết Nguyên đán. Ông cũng mua đá hoa cương để lát ốp cho những ngôi mộ của Mẹ VNAH. Tính từ năm 2008 đến nay, số tiền làm từ thiện của ông đã lên đến gần 6 tỷ đồng.

Dù là chủ một doanh nghiệp làm ăn khá giả, nhưng CCB Tư Khanh luôn giữ nếp sống giản dị, khiêm nhường, gần gũi. Những việc làm nhân ái của ông như làn gió mát lành đưa “hương bưởi” xứ Châu Thành lan tỏa khắp mọi miền.

Hồ Thanh Hương