CCB Bùi Văn Tuấn: Người đem đến mái ấm cho mọi nhà
Hoàn thành nhiệm vụ trong quân đội, năm 1988, CCB Bùi Văn Tuấn xuất ngũ, nhưng không lập nghiệp ở quê gốc là Đức Thọ, Hà Tĩnh, mà chọn thị xã Thái Hòa, Nghệ An làm quê mới. Xây dựng gia đình và khởi nghiệp trong bối cảnh đầu thập niên chín mươi thế kỷ trước là cả một núi khó khăn đối với Bùi Văn Tuấn. Bởi vậy, thời gian đầu, ông chỉ làm nghề xay xát, đập bột để mưu sinh cho gia đình; đồng thời tích cóp vốn liếng và tìm kiếm nghề kinh doanh phù hợp với điều kiện của bản thân, nhưng phải có hiệu quả.
Qua tìm hiểu nhu cầu tấm lợp của người dân địa phương, đồng thời hưởng ứng chủ trương của trên về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, với ý chí nghị lực của CCB không cam chịu đói nghèo, Bùi Văn Tuấn quyết định chọn hướng sản xuất kinh doanh tấm lợp phi-brô xi măng. Tháng 10-2009, Công ty sản xuất tấm lợp Tuấn Thao, do CCB Bùi Văn Tuấn làm Giám đốc được thành lập, tại thị xã Thái Hòa. Ban đầu, vốn điều lệ của Công ty chỉ 1,5 tỷ đồng; quy mô sản xuất nhà xưởng 1.000m2.
Cũng như nhiều doanh nhân CCB khác, bước đầu tổ chức sản xuất kinh doanh đối với CCB Bùi Văn Tuấn gặp rất nhiều khó khăn. Nhớ về buổi ban đầu đầy cam go đó, ông Tuấn tâm sự: “Buổi đầu, bản thân và gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn về vốn, nguồn vào và đầu ra cho sản phẩm; nhiều lúc tưởng không vượt qua nổi. Nhưng với quyết tâm của người lính, lại được sự giúp đỡ và động viên của chính quyến địa phương, của Hội CCB và hội viên, tôi không chịu khoanh tay, khuất phục trước khó khăn…”.
Với ý chí, nghị lực của người lính Cụ Hồ trên trận tuyến chống đói nghèo, đi sâu tìm hiểu thị trường; mặt khác hưởng ứng phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo làm kinh tế giỏi” được Hội CCB triển khai đến từng hội viên và được Hội tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng CSXH, CCB Bùi Văn Tuấn đã mạnh dạn đầu tư mua sắm trang thiết bị, nâng cấp dây chuyền sản xuất. Từ nguồn vốn và cơ sở sản xuất khiêm tốn ban đầu, sau 10 năm phát triển, Công ty sản xuất tấm lợp Tuấn Thao đã có hai cơ sở sản xuất, với hơn 3.000m2 nhà xưởng và dây chuyền sản xuất khá hiện đại. Mỗi tháng, Công ty sản xuất từ 10.000 đến 15.000m2 tấm lợp. Là doanh nghiệp “gia đình”, nhưng Công ty bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho 45-50 lao động thường xuyên, chủ yếu là CQN và con em CCB, với mức lương từ 10-12 triệu đồng/người/tháng. Công nhân, nhân viên của Công ty được đóng bảo hiểm đầy đủ và được quan tâm chăm lo các nguồn phúc lợi, lễ, tết… Từ đó, người lao động gắn bó, trách nhiệm góp sức xây dựng doanh nghiệp ngày càng phát triển, sẩn xuất kinh doanh có hiệu quả.
Cùng với thực hiện đầy đủ chế độ đóng góp ngân sách, mặc dù quy mô sản xuất nhỏ lẻ, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn hạn chế, nhưng CCB Bùi Văn Tuấn thường xuyên tích cực tham gia các phong trào do địa phương và Hội CCB phát động: Xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh, Xóa đói giảm nghèo và các hoạt động xã hội - thiện nguyện. Hằng năm CCB Bùi Văn Tuấn và Công ty Tuấn Thao đã dành nhiều chục triệu đồng ủng hộ khắc phục hậu quả bão lụt thiên tai, đóng góp Quỹ “Vì người nghèo”, tặng quà các đối tượng chính sách nhân ngày 27-7, ngày lễ - tết; góp phần bảo đảm an sinh xã hội của địa phương; được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.
Từ thực tiễn vượt khó đi lên, CCB Bùi Văn Tuấn đã rút ra kinh nghiệm máu thịt của mình là: Phát huy bản chất, truyền thống của người lính Cụ Hồ, không bao giờ nản chí trước khó khăn; tranh thủ tối đa sự ủng hộ của chính quyền, đoàn thể; đoàn kết thống nhất cao trong gia đình, chủ động khắc phục khó khăn, từng bước làm chủ kỹ thuật, công nghệ; chiếm lĩnh thị trường bằng uy tín, trách nhiệm và chất lượng sản phẩm.
Với những thành tích, đóng góp trong 5 năm thực hiện phong trào thi đua “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” doanh nhân CCB Bùi Văn Tuấn luôn đạt danh hiệu CCB sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh và cấp T.Ư; được tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấp khen của các cấp Hội và chính quyền địa phương. Với riêng CCB Bùi Văn Tuấn, phần thưởng có ý nghĩa mà ông tâm đắc là danh xưng “Người đem đến mái ấm cho mọi nhà” do khách hàng quý mến dành tặng.
Việt Hưng