Về các vùng nông thôn, ta thường gặp một loại cây nhỏ cành và thân có gai, mọc hoang ở những bãi cỏ, ven đường, bờ đê, chân đồi… Cây có lá kép chân vịt, mang 1 nhánh lá chét lông chim, gồm nhiều lá chét nhỏ. Cây có hoa hồng, quả thắt lại giữa các hạt, có nhiều lông cứng.
Cây này có một đặc điểm rất dễ nhận là khi ta đụng phải lá hoặc cành cây, thì toàn bộ lá ở khu vực bị đụng chạm sẽ cụp xuống và gập lại từng đôi một. Ban đêm lá cây này cũng tự cụp lại. Do đặc điểm này, các cụ ngày xưa đặt tên nó là cây trinh nữ (ngoài miền Bắc gọi là cây xấu hổ - ví như người con gái khi gặp sự lạ thì xấu hổ khép người lại), nhân dân ta gọi nó là cây thẹn, cây xấu hổ, cây mắc cỡ (tên khoa học là Mimosa pudica Linn, thuộc họ trinh nữ - Mimosaceae). Theo Y học dân tộc, lá trinh nữ có tác dụng an thần, còn rễ trinh nữ là một vị thuốc chữa đau xương, thấp khớp quen thuộc, rất thường gặp trong các đơn thuốc chữa thấp khớp. Cách dùng rất đơn giản:

  • Làm thuốc an thần, chữa mất ngủ: lấy 6-12g lá trinh nữ khô sắc lấy nước uống, có thể dùng riêng hoặc phối hợp với lá vông nem, lá lạc tiên.
  • Chữa phong thấp, đau xương, đau khớp: Lấy rễ trinh nữ, thái lát, phơi khô. Hàng ngày lấy 120g rang vàng, ngâm rượu, sao lại, sắc với nước, chia làm 2-3 lần uống trong ngày. Uống liền trong 5-7 ngày.
  • Trường hợp đau cột sống, khó cúi lưng: lấy 150g rễ trinh nữ thái lát, bào chế như trên, sao vàng, hạ thổ, sắc lấy nước uống, dùng kiên trì hàng tháng hoặc lâu hơn cho đến khi khỏi bệnh.
    Gia Minh & Gia Khoa