Tháng 3-1958, anh Phúc xây dựng gia đình với chị Nga được 7 ngày thì đi bộ đội rồi hy sinh ngày 4-3-1969, mãi năm 1973 mới nhận được giấy báo tử. Sau đó, chị Nga đi lấy chồng. Rồi mẹ tôi sinh đôi thêm hai em trai nữa đặt tên là Lâm và Lim.
Năm 1970-1971, anh Lộc, chị Yến phải nghỉ học vì nhà nghèo không có tiền đóng học. Anh Lộc sinh năm 1954, là lao động chính, hiền lành, chăm làm được bà con quý mến. Anh có tài thổi sáo rất hay, những đêm trăng sáng, tiếng sáo anh lại vang vọng khắp làng, khiến chị em, nhất là chị Chúc hay để ý.
Ngày 18-8-1973, anh Lộc nhập ngũ, chị Trúc tặng anh chiếc khăn mùi xoa màu tím và dặn “Anh đi nhớ viết thư về”. Anh Lộc tôi nói khẽ: “Đợi anh về Chúc nhé”. Nhưng anh tôi đi không về... Bố mẹ và chị em tôi như ngồi trên đống lửa. Một hôm, có anh bộ đội tìm đến nhà tôi. Anh ngồi nói chuyện với bố mẹ tôi rất lâu. Khi tôi luộc xong rổ khoai mang lên thì thấy trên bàn có cây sáo trúc của anh Lộc. Mẹ tôi sụt sùi lau nước mắt, bố tôi im lặng buồn rầu. Tôi lao tới cầm cây sáo rồi chạy ra cổng nấc lên.
Ngày 10-7-1976, địa phương tổ chức báo tử anh Lộc. Anh đã anh dũng hy sinh trong một trận chiến đấu ngày 20-1-1975 tại Là Ngà, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Mẹ tôi giữ chặt cây sáo trúc, rưng rưng nước mắt. Bố tôi im lặng, đôi mắt xa xăm, chị Chúc cũng buồn lặng lẽ.
Chị Yến đi thanh niên xung phong tháng 1-1972, đến tháng 7-1975 hoàn thành nhiệm vụ trở về rồi đi xây dựng gia đình. Năm 1976, tôi thi vào Trường trung cấp Sư phạm 10+3, thì có đợt tuyển quân. Tôi xin mẹ cho tôi đi. Thế là tôi nhập ngũ ngày 13-10-1976, sau 3 tháng báo tử anh Lộc và hơn một năm chị Yến đi thanh niên xung phong trở về. Tôi được vào Trung đoàn 141, Sư đoàn 3, đóng quân ở huyện Lục Nam, rồi chuyển lên đứng chân tại Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Tôi là Tổ trưởng trong Đội văn nghệ của Trung đoàn. Năm 1978, tôi xuất ngũ chuyển ngành về Ngân hàng Yên Thế, thì ngày 8-11-1978, bố mẹ tôi lại tiễn em Nguyễn Văn Sơn lên đường nhập ngũ, chiến đấu trên chốt Trà Lĩnh, Cao Bằng. Tháng 11-1983 em được phục viên với quân hàm Trung úy. Nhưng đất nước vẫn chưa yên, ngày 18-1-1985, mẹ lại tiễn em Nguyễn Đắc Lim vào bộ đội.
Thế là trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, gia đình tôi có 8 chị em thì 5 người đi bộ đội, 1 người vào thanh niên xung phong. Trong đó 2 anh là liệt sĩ, còn lại đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2014, mẹ tôi - cụ Nguyễn Thị Giao, 99 tuổi được tuyên dương Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Năm nay mẹ tôi đã 102 tuổi, nhưng trong gia tài nghèo khó của mẹ vẫn có cây sáo trúc của anh Lộc tôi.
Nguyễn Nguyệt Kim Oanh