“Cây đước của trời”
Có lẽ do chúng ta chưa hiểu hết tầm quan trọng đặc biệt của cây đước trong chống xói lở bờ biển nên mới có tình trạng chặt phá cây đước một cách tàn nhẫn trong thời gian dài vừa qua ở dọc bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long dẫn đến tình trạng xói lở bờ biển như hiện nay.
Phải nói ngay rằng tất cả những con đê do con người đắp nên để ngăn sóng, nước mặn hay “bảo vệ bờ biển” ở đồng bằng sông Cửu Long đều là phản khoa học. Mà chỉ có cây đước, cây mắm (nhất là cây đước) là “con đê” muôn thưở nhất, vững chãi nhất bảo vệ vùng biển ở Bán đảo Cà Mau nói riêng toàn bộ đồng bằng Sông Cửu Long nói chung.
Không phải ngẫu nhiên mà GS Phan Nguyên Hồng nói “cây đước của trời”. Đúng là cây đước của trời thật. Trời “sinh ra” sóng biển mặn mòi hung dữ, thì trời cũng “sinh ra” cây đước để bảo vệ chúng sinh. Cây đước mọc trên đất phù sa cận sinh, nhất là đất phù sa bùn mịn. nơi có nước mặn, hoặc lợ, thủy triều lên, xuống định kỳ. Đước có thể cao tới 30m, đường kính khoảng 0,7m. Độc đáo và cũng là lợi ích nhất của cây đước là bộ rễ, bao gồm rễ cọc và rễ phụ. Rễ cọc nhỏ cắm sâu xuống đất, còn rễ phụ (gọi là chang đước) thì rất lớn, mọc tua tủa xung quanh gốc, nhìn như những chiếc nơm khổng lồ, cắm sâu vào đất giữ cho cây đứng vững. Rừng đước ken kín không cây gì mọc được, người ta có thể vào sống trong rừng đước, làm chòi tránh mưa, tránh nắng. Trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ khiếp sợ nhất "Bộ đội Đặc công rừng Sác" - chính là do có cây đước bảo vệ.
Các nhà khoa học khẳng định nếu bờ biển bồi có rừng đước chiều ngang 800m trở lên thì không những chống được hoàn toàn xói lở của sóng biển tự nhiên mà còn giữ được phù sa bồi lắng mở rộng đất liền.
Do khuôn khổ bài báo có hạn, tôi chỉ xin giới thiệu thêm sinh trưởng của cây đước non để bạn đọc càng thấy “đước của trời”: Đước nở hoa, ra quả, quả chín hạt nảy mầm (phôi) trong quả. Khi phôi già rơi ra khỏi cây mẹ và rơi xuống bùn, khoảng vài giờ sau mọc rễ và thành cây non, sinh sôi nảy nở trên bãi lầy tạo ra những vùng rừng đước mới.
Đước được ví là “vệ sĩ bờ biển” như thế, nhưng đước lại rất dễ chết nếu bị can thiêp vào sinh thái tự nhiên của chúng. Ví dụ, nước thủy triều lên là mang phù du nuôi cây đước, thủy triều xuống cây đước mới được thở (đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng). Nếu nước thủy triều lên ngăn nước lại thì chỉ sau vài ngày cây đước ngạt thở rụng lá chết đứng - Các chủ chuôm tôm ở Cà Mau “giết” đước bằng cách này rất hiệu quả.
PGS. TS Nguyễn Đông Thức