Cây đa Gia Lách “Hòm thư đỏ”
Cây đa Gia Lách một di tích lịch sử đang để hoang tàn.
Báo tháng 9 -Cách phía nam phà Bến Thủy 100m, nay cách nam cầu Bến Thủy II, khoảng 30m về phía đông trước đây có một cây đa cổ thụ, cao tỏa bóng sum suê tới mấy chục mét vuông; cây to 3-4 người ôm mới xuể.
Cây đa nằm giữa ngã ba Gia Lách (cũ), thuộc thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Trước đây còn phà Bến Thủy, gốc đa là nơi mọi người hay ngồi nghỉ chân, uống nước, chờ sang phà; còn người đi đường thì ngồi nghỉ mát vào những ngày hè nóng nực.
Dân địa phương thường gọi cây đa Gia Lách. Nhưng không ai ngờ đây là một hòm thư bí mật của các chiến sĩ Cộng sản hoạt động ở Nghệ Tĩnh năm 1930-1931.
Gốc cây đa ở cách mặt đất chừng hơn 2m có một cái lỗ to, người chui vào được. Những người Cộng sản hoạt động ở đây đã lấy hốc cây đa này làm hòm thư bí mật, gọi là “ Hòm thư đỏ”, cất dấu tài liệu .
Hòm thư được giao cho ông Trần Vợi quê ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa một gia đình nghèo vào Nghệ Tĩnh làm ăn được Đảng giác ngộ trông coi. Ông mở quán ngày, đêm bán nước dưới gốc cây đa này, đồng thời làm nhiệm vụ bảo vệ hòm thư, chuyển giao tài liệu, chỉ thị của Đảng tới từng chi bộ trong 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đặc biệt là những mệnh lệnh, kế hoạch tổ chức cho quần chúng biểu tình ngày 1-5-1930 ở Nghệ Tĩnh.
Cũng tại đây, đêm 17 rạng ngày 18-8-1945 những người Cộng sản thuộc Chi bộ An Lạc (lúc đó đảng viên của 2 xã Xuân An và Xuân Hồng sinh hoạt một Chi bộ gọi là Chi bộ An Lạc) đã kéo Cờ đỏ Sao vàng trên ngọn cây đa, làm tín hiệu cho toàn dân nổi dậy giành chính quyền ở địa phương.
Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ cây đa là một điểm chuẩn để ban đêm các đồng chí lái xe nhằm vào đó qua phà Bến Thủy. Nhưng đồng thời cây đa cũng là một trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay, tàu chiến của địch. Nhiều lần trúng bom, đạn, nên năm 1968 cây đa bị chết, để lại tình cảm tiếc nuối trong lòng nhân dân địa phương và nhiều người trong cả nước đã có lần qua đây. Nhưng quý giá nhất, cây đa còn là một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau.
Thể theo nguyện vọng của Nhân dân khôi phục lại cây đa này, MTTQ huyện và UBND huyện Nghi Xuân đã chuyển một cây đa ở xã Cổ Đạm về trồng ngay gốc cây đa cũ. Từ đó có một cây đa Gia Lách mới. Nay cây đa đã lớn, cành lá cũng đủ tỏa bóng một vùng rộng lớn.
Nhưng từ khi xây xong cầu Bến Thủy I, Quốc lộ 1A qua Sông Lam không đi qua đây nữa, cây đa cũng bị lãng quên. Đáng lẽ chính quyền địa phương cho tôn tạo, làm nơi giáo dục truyền thống Cách mạng cho các thế hệ sau. Nhưng tiếc thay, chính quyền lại cho xây dựng khách sạn ở trên mảnh đất có nhiều chiến tích này.
Cây đa - một địa danh lịch sử đáng được trân trọng nay bị khuôn viên khách sạn che lấp trở nên hoang tàn, làm mất ý nghĩa cao đẹp của nó.
HẢI HƯNG