Cây cầu lưu giữ truyền thống lịch sử (24/02/2012)

Theo kế hoạch của UBND TP Đà Nẵng, cầu Trần Thị Lý đã được tháo bỏ để nhường chỗ xây dựng một cầu mới loại cầu dây văng có chiều rộng 48m mặt cầu, ở giữa có một trụ tháp nghiêng cao 145m so với mặt nước biển; trên đỉnh tháp có lắp một sàn vọng cảnh phục vụ khách du lịch lên đó tham quan thưởng ngoạn cảnh đẹp của TP Đà Nẵng hai bên sông Hàn. Công trình này được khánh thành đưa vào sử dụng năm 2013 (cùng với hai cầu Nguyễn Tri Phương và cầu Rồng đang thi công). Cùng với cầu Trần Thị Lý thì cầu Nguyễn Văn Trỗi cùng được tháo bỏ.

Trong chuyến khảo sát thực địa vào đầu tháng 2-2012, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo, nghiên cứu giữ lại cầu Nguyễn Văn Trỗi. Việc giữ lại cầu Nguyễn Văn Trỗi với hai mục đích là lưu giữ lại lịch sử truyền thống vốn có của nó; cải tạo thành điểm tham quan du lịch cho du khách thập phương và nhân dân có nhu cầu đến đây hóng mát, tham quan cảnh đẹp của con sông Hàn. Quyết định giữ lại cầu Nguyễn Văn Trỗi được cán bộ, nhân dân thành phố đồng tình ủng hộ và bày tỏ niềm vui khi mà trên mình sông Hàn đã nối nhịp bắc qua 7 chiếc cầu mới thì theo nó còn có 1 chiếc cầu mang tính lịch sử cùng hiện diện… Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, cầu Nguyễn Văn Trỗi là con đường bộ độc đạo nối liền với quận 3, giáp biển đông (nay là quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn) và về Hội An, tỉnh Quảng Nam đã từng chứng kiến nhiều chiến công vang dội về tinh thần dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu của quân và dân ta để làm nên thằng lợi ngày 29-3-1975 giải phóng TP Đà Nẵng...

Theo đồng Nguyễn Bá Thanh thì cầu Nguyễn Văn Trỗi có độ thấp (khoảng 3m so mặt cầu và mặt nước sông Hàn) thì không thể cho tàu du lịch lưu thông qua đây được. Vì vậy phải có sự tác động, cải tạo ở nhịp cầu chính giữa để cho tàu du lịch qua lại. Theo đó, giao cho Sở GTVT thành phố và đã đề ra 2 phương án là tạo thành vòm cao nhịp chính giữa cho tàu đi qua hoặc nhịp giữa cầu được cắt đôi tạo thế nâng lên, hạ xuống mỗi khi có tàu du lịch đi qua. Qua hai phương án được trình bày, ý kiến của tập thể nghiêng nhiều về phương án 2 là nhịp giữa được cắt đôi tạo thế nâng lên, hạ xuống mỗi khi có tàu du lịch qua lại. Vì đây là cầu dành riêng cho người đi bộ, khách du lịch, nên việc kết cấu cải tạo nhịp cầu chính giữa theo thế nâng cất sẽ là nhẹ nhàng và thuận lợi, không nặng nề, phức tạp như loại cầu bê tông cốt thép…

Đây nữa, trên sông Hàn lại có thêm một cầu cải tạo độc đáo cùng song hành với các cầu dây văng hiện đại.

Bài và ảnh: Nhân Mùi