Câu lạc bộ CCB làm kinh tế huyện Đức Trọng: Nòng cốt trong phát triển kinh tế của CCB
Lãnh đạo CLB tham quan mô hình trồng chuối của hội viên.
Tuy mới thành lập hơn 3 năm, nhưng CLB CCB làm kinh tế huyện Đức Trọng (viết gọn CLB), tỉnh Lâm Đồng đã trở thành “ngôi nhà chung” để hội viên CCB liên kết, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế, nhiều hội viên vươn lên làm giàu chính đáng.
Doanh nhân CCB Đỗ Xuân Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp sạch Lâm Đồng tham gia CLB từ những ngày đầu thành lập cho biết: Việc tham gia CLB giúp HTX của ông có thêm nhiều đối tác liên kết sản xuất, kinh doanh. Không những thế, bản thân ông học hỏi thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm từ những hội viên khác, qua đó, giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu quả hoạt động.
Với tinh thần của người lính Cụ Hồ, ông Hưng luôn nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ đồng đội về vật tư phân bón, cây giống, tận tình hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, mô hình phát triển kinh tế. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19, hàng hóa nông sản bị ngưng trệ, ông thu mua hơn 120 tấn rau, củ, quả cho người dân và CCB có hoàn cảnh khó khăn. Số nông sản này được ông gửi hỗ trợ người dân ở những vùng tâm dịch như: T.P Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương. Sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, ông cùng các hội viên hỗ trợ nhau khôi phục sản xuất, kinh doanh; giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Tham gia CLB, ông học hỏi thêm được kiến thức, kỹ năng và nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các hội viên khác, nên theo ông việc giúp đỡ, san sẻ khó khăn với đồng đội, đồng bào trong lúc khó khăn là điều nên làm.
Từ ngày thành lập đến nay, CLB luôn cố gắng trở thành cầu nối giúp các thành viên liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Thành Đô - Chủ nhiệm CLB cho biết: CLB hiện có hơn 50 thành viên, tập trung ở thị trấn Liên Nghĩa và các xã Ninh Gia, N’Thol Hạ, Hiệp An, Hiệp Thạnh, Tà Năng, đang làm chủ và quản lý 16 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 2 HTX, 63 trang trại, gia trại và 70 hộ kinh doanh khác..., với tổng doanh thu hơn 800 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, các thành viên CLB cũng tích cực hỗ trợ việc làm cho CCB và con em CCB. Như năm 2022, ngoài nguồn lao động của gia đình, các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp còn giúp tạo công ăn việc làm cho gần 500 lao động là CCB và con em CCB với thu nhập từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, nhiều hội viên luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vốn, phân bón, vật tư, cây, con giống cho các hội viên khác. Nhờ đó, đời sống kinh tế của các thành viên CLB ngày một nâng cao, nhiều hội viên không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Điển hình như CCB Trần Hoàng Cung thị trấn Liên Nghĩa, CCB Phạm Ngọc Tổng, xã Hiệp An; CCB Thân Thị Cửu, xã Hiệp Thạnh...
Bên cạnh việc tiên phong làm kinh tế, CLB thường xuyên chủ động phối hợp với các cấp Hội CCB hỗ trợ hội viên CCB giảm nghèo, xóa nhà tạm, quan tâm, thăm hỏi lẫn nhau. Như năm 2022, CLB dành hơn 90 triệu đồng hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà, thăm hỏi ốm đau, lễ, Tết. Nhờ đó, CLB hoạt động ngày càng hiệu quả và phát huy vai trò, ý nghĩa thiết thực của mình.
Tuy vậy, việc tiếp thị, bán hàng… của CLB còn mang tính rời rạc, thiếu sự đồng bộ; tiếp cận vốn của hội viên còn khó khăn; sự phối hợp giữa các đơn vị chưa nhịp nhàng... Do đó, hiệu ứng truyền thông mang lại còn thấp. Theo CCB Nguyễn Thành Đô, thời gian tới, CLB sẽ có nhiều biện pháp để nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn của hội viên. Ngoài ra, CLB tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh tiêu biểu, từ đó, lan tỏa những cách làm hay, mô hình hiệu quả đến toàn bộ hội viên. Riêng với các hội viên nghèo, khó khăn, CLB sẽ hỗ trợ phân bón, cây giống, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, tạo “bàn đạp” để CCB mạnh dạn phát triển sản xuất…
Tuy mới thành lập, nhưng hoạt động của CLB CCB làm kinh tế huyện Đức Trọng hết sức quan trọng, là nòng cốt trong phát triển kinh tế của CCB và xây dựng Nông thôn mới tại địa phương.
Nhật Quỳnh