Câu lạc bộ CCB hoạt động đúng hướng
CCB Đỗ Văn Học (bên trái) và ông Phạm Quốc Hinh - Chủ nhiệm CLB CCB làm kinh tế xã Bàu Trâm trao đổi về kỹ thuật nuôi dê.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975, xã Bàu Trâm, T.P Long Khánh, tỉnh Đồng Nai đón một lượng lớn người dân từ mọi miền đất nước về lập nghiệp. Trong dòng người đó có nhiều người đã từng là Bộ đội Cụ Hồ.
“Hành trang chúng tôi về đây lập nghiệp chỉ là đôi bàn tay trắng. Nhưng với ý chí của người lính, chúng tôi phải tìm mọi cách vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và góp phần xây dựng địa phương” - CCB Phạm Quốc Hinh - Chủ nhiệm CLB CCB làm kinh tế thuộc Hội CCB xã Bàu Trâm bày tỏ.
Theo lời kể của CCB Nguyễn Nguyên Nhung (tức Mười Nhung, 78 tuổi, ngụ ấp Bàu Trâm), ngày ông mới về đây, vùng đất này còn rất hoang vu, thưa dân cư. Mặc dù lúc đó đất nước đã thống nhất nhưng vẫn còn hằn rõ những hố bom, đầu đạn sót lại. Thời điểm đó, thỉnh thoảng ông lại nghe tiếng đầu đạn nổ trong quá trình đốt rẫy, khai khẩn đất hoang. Ông Mười Nhung cho rằng: Sự trù phú của vùng đất Bàu Trâm hôm nay có phần đóng góp của những người lính Cụ Hồ khi chọn Bàu Trâm làm quê hương thứ hai của mình.
Rời quân ngũ năm 1986, CCB Đỗ Văn Học (quê tỉnh Nam Định) về ấp Bàu Sầm, xã Bàu Trâm lập nghiệp. Trải qua thời gian dài làm thuê, mướn đất canh tác, ông Học từng bước tích lũy vốn mua rẫy vườn và xây dựng mái ấm hạnh phúc cho riêng mình. Nhờ chịu khó làm lụng, ông Học mua 1,8ha đất trồng các loại cây như tiêu, cà phê, bắp… thu hoạch trúng mùa lại được giá, ông Học đã trả hết tiền nợ mua đất. Những năm gần đây, do các loại cây trồng giá cả không ổn định, thu nhập thấp nên gia đình ông chuyển sang chăn nuôi. Cũng nhờ vốn từ CLB CCB xã cho vay 50 triệu đồng, ông Học phát triển chăn nuôi lợn, dê, bò; bình quân thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm, cuộc sống gia đình ngày càng khá hơn.
Rất nhiều người lính ở xã Bàu Trâm đi đầu trong phát triển kinh tế, xây dựng Nông thôn mới như các CCB Vũ Viết Tùng, Đỗ Văn Long thành công với mô hình trồng nấm; Lã Đức Tuấn, Lê Đức Thắm thành công với mô hình trồng cây ăn quả; Đỗ Văn Học, Phạm Quốc Hinh thành công với mô hình chăn nuôi… cho thu nhập từ 300-500 triệu đồng/năm.
Để khuyến khích các CCB làm giàu, năm 2017, Hội CCB xã Bàu Trâm thành lập CLB CCB làm kinh tế với 16 hội viên, đến nay CLB đã thu hút được 34 thành viên. Chủ nhiệm CLB CCB làm kinh tế xã Bàu Trâm - Phạm Quốc Hinh cho biết: Tiêu chí gia nhập thành viên của CLB là hội viên CCB phải thật sự tâm huyết với công tác Hội, sẵn sàng giúp đồng đội về vốn, chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm cho nhau trong làm ăn; đặc biệt, thành viên trong CLB phải là hộ gia đình CCB gương mẫu, gia đình văn hóa và có uy tín.
Hiện nay, CLB có 6 hội viên phát triển mô hình kinh doanh, 20 hội viên phát triển mô hình trồng trọt, 4 hội viên phát triển mô hình chăn nuôi… Thu nhập trung bình của các hộ hội viên luôn đạt trên 300 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động địa phương.
Chủ tịch Hội CCB xã Bàu Trâm, T.P Long Khánh - Vũ Văn Châm chia sẻ: Với xuất phát điểm tất cả đều khó khăn từ ngày đầu lập nghiệp, đến nay số hội viên CCB đạt mức sống khá trở lên chiếm hơn 70%, toàn Hội không còn hộ hội viên nghèo, khó khăn. Từ năm 2017 đến nay, Hội CCB xã liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đạt cờ thi đua 3/5 năm liên tục của T.P Long Khánh là nhờ “điểm cộng” từ mô hình CLB CCB làm kinh tế. Mô hình này từ ngày thành lập đến nay liên tục nhận Bằng khen, Giấy khen từ các cấp hội.
Dù ở đâu, làm gì, trên mặt trận nào thì những người lính vẫn luôn giữ được phẩm chất tốt đẹp của mình, không ngại khó, ngại khổ tiên phong làm kinh tế, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Quỳnh Thư