Câu đối - đối cả Hán, Nôm
Văn câu đối sắc sảo, hàm súc, hấp dẫn, nó chứa nhiều kịch tính bởi là văn đối “chọi” qua luật bằng, trắc.
Giai thoại văn học Việt Nam có chuyện: Ở một làng nọ có vợ chồng anh Trưởng chợ (khán thị) dựng được cái nhà mới vừa gần chợ, vừa gần sông. Để ăn mừng, đôi vợ chồng chạy đến xin cụ Nguyễn Khuyến đôi câu đối về treo, nhưng, chồng muốn câu đối chữ Hán, vợ lại thích câu đối Nôm cho dễ hiểu, vì thế câu đối mới nửa Hán, nửa Nôm:
“Nhất cận thị, nhị cận giang, thử địa tích tằng xưng tị ốc.
“Giàu ở làng, sang ở nước, nhờ trời nay đã vểnh râu tôm”
Ý: Vế trên: tiện lợi thứ nhất là gần chợ, thứ nhì là gần sông, đất này xưa từng nổi tiếng làm nhà tốt.
Vế dưới: Nghĩa thân mật, ý nói đã được thỏa mãn. Chúng ta thấy: thị (là chợ) đối với làng. Giang (là sông) đối với nước. Địa (là đất) đối với trời. Tích tằng (xưa từng) đối với nay đã.
Lại hai câu tục ngữ “Nhất cận thị, nhị cận giang”, “Giàu ở làng, sang ở nước” đứng ở đầu hai vế của câu đối. Đối như vậy là rất chỉnh, rất hay. Nhưng đến ốc (là nhà) mà cụ Nguyễn Khuyễn còn tìm được cách đối với tôm thì lại càng hóm hỉnh, tài hoa hơn nữa.
Nguyễn Văn Cự