Rao bán công khai…
Nhận được thông tin người dân phản ánh liên quan đến khu vực cánh đồng khu Cầu Tràng, thôn Tân Sơn, xã Hùng Sơn có một số hộ dân chuyển đổi mục đích từ trồng lúa sang đào ao thả cá và nhân cơ hội đó đã tận thu nguồn tài nguyên đất sét cao lanh bán cho một số chủ thu mua ở tỉnh khác với giá cao ngất trời mà chính quyền không hay biết, trong vai người đi mua đất chúng tôi đến khu vực người dân đào ao thả cá, tận mắt nhìn thấy diện tích lớn đất nông nghiệp bị “cày xới” tung. Bên cạnh đó hình hài một số ao đã được đào đào đắp trước đó vài năm đang nuôi cả.
Theo quan sát của PV, từ con đường thôn Tân Sơn nhìn ra khu vực đào ao NTTS của các hộ dân cách đường làng và khu dân cư không xa (khoảng 200m). Tại thời điểm chúng tôi có mặt (26-3-2015), cánh đồng khu cầu Tràng thôn Tân Sơn (giáp ranh với khu đồng lúa của xã Thái Sơn) vẫn có một chiếc máy xúc đang hoạt động (ảnh).
Tìm gặp đến một nhà dân gần khu vực khai thác dò hỏi mua ruộng để khai thác cao lanh, bà “X”, vợ một cán bộ xã Hùng Sơn không ngần ngại cho biết: “Nhà tôi có mấy sào cũng đang cần bán lấy tiền, các anh mua tôi bán. Nhưng để khai thác được cao lanh các anh phải “chạy” được đề án chuyển đổi mô hình từ trồng lúa sang NTTS”. Khi đề cập đến giá cả mua 1 sào ruộng, bà “X” nọ cũng thẳng thắn ra giá 35-40 triệu đồng/sào ruộng, bà cho biết: “Ở đây nhiều hộ đã bán với giá như vậy, nếu các anh có nhu cầu mua thực sự, thì gặp chồng tôi trao đổi, ông ấy đang làm ở xã”.

“Khu vực khai thác thuộc xã bên”…
Để nắm thông tin về việc khai thác có được cấp phép hay không, chúng tôi đến UBND xã Hùng Sơn vào gần 11 giờ trưa nhưng hầu hết phòng làm việc của lãnh đạo xã này đã… khóa cửa. Dò hỏi một nhân viên nữ làm việc ở UBND xã, chị này cho biết lãnh đạo đi họp trên huyện hết rồi, có gì đầu giờ chiều các anh quay lại!
14 giờ ngày 26-3-2015, chúng tôi có mặt ở trụ sở UBND xã Hùng Sơn, ông Hoàng Văn Kiên-Chủ tịch UBND xã khá bất ngờ về thông tin khai thác đất cao lanh. Theo ông Kiên, từ năm 2012 trở về trước, ở xã có một vài dự án chuyển đổi mô hình sang đào ao thả cá. Còn từ 2012 tới nay không có dự án nào nên không thể có chuyện khai thác đất... Và sau đó ông Kiên “kết luận”: Khu vực khai thác đất thuộc xã Thái Sơn, không phải của Hùng Sơn. “Chắc các anh nhầm vì khu vực này giáp ranh của hai xã… các chủ khai thác đất chỉ vận chuyển nhờ qua địa bàn xã Hùng Sơn”.
Ông Kiên cũng khẳng định, hiện trên địa bàn xã chỉ có hộ ông Bùi Văn Vinh chuyển đổi đất trồng lúa sang NTTS và một hộ khác nữa là hộ ông Mơ. Tuy nhiên, ông Mơ mua lại của ông Tần, nhưng thủ tục mua bán chuyển đổi chưa xong, vẫn còn vướng mắc.
“Các hộ này mấy năm nay có đào ao gì đâu. Bản thân tôi thường đi qua khu vực này nhưng cũng chưa bao giờ ra khu vực NTTS này cả”- ông Kiên cho hay!
Khi được hỏi, việc vận chuyển đất qua địa bàn xã làm ảnh hưởng đến giao thông, phía đầu làng thôn Tân Sơn có một bãi tập kết đất là của ai? Tại sao chính quyền không kiểm tra?
Ông Kiên thoái thác “Xã không có thẩm quyền ngăn cấm nên không thể dừng bắt xe... Trực tiếp các doanh nghiệp khai thác đất họ mở đường nội đồng để vận chuyển đi qua Hùng Sơn và cái này do thôn đồng ý cho làm, có báo cáo xã biết. Còn bãi tập kết đất thuộc khu vực chợ Thường xã Thường Thắng, không phải của Hùng Sơn!”-ông Kiên lý lẽ.
Liên quan đến việc khu vực hộ ông Vinh làm dự án NTTS còn xuất hiện một căn nhà kiên cố (người dân nơi đây gọi là “nhà mái Thái”), cao to, ông Kiên khẳng định xã không cấp phép cho xây dựng…

Chủ trương đã bị lợi dụng?
Trao đổi với Phó chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa-ông Ngô Tiến Dũng cho biết, nhận được thông tin phản ánh của PV bản thân ông đã xuống kiểm tra ở xã Hùng Sơn không có chuyện khai thác đất. Riêng ở xã Thái Sơn thì có xảy ra việc khai thác nhưng trữ lượng không lớn.
Trong khi đó, theo cán bộ địa chính xã Thái Sơn-ông Văn Hoan khẳng định, toàn xã Thái Sơn có hơn 30ha mặt nước đầm trũng. Trong năm qua chủ yếu để tích nước. Năm 2007, HĐND xã có chủ trương cho chuyển đổi sang NTTS… và năm 2103 có một số hộ đề nghị cho cải tạo ruộng và được chuyển đổi ruộng cho nhau để chuyển sang NTTS. Về việc này UBND huyện, tỉnh đồng ý cho chuyển đổi; đất dư thừa được tận thu làm vật liệu xây dựng, làm đường và các công trình phúc lợi tại địa phương. Tính đến thời điểm này toàn xã Thái Sơn có 7 hộ thực hiện dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp…
Tuy nhiên dư luận băn khoăn rằng, liệu có hay không lợi dụng việc chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp sang NTTS để khai thác đất cao lanh? Bởi theo một số văn bản của chính quyền tỉnh Bắc Giang chấp thuận cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lại thể hiện đất dư thừa để sản xuất gạch và làm đường, các công trình phúc lợi ở địa phương… nhưng khi PV trong vai người đi mua đất thì được người dân thôn Tân Sơn quả quyết nói có một số chủ thu mua đất cao lanh ở Hải Dương đã về thu mua trong thời gian qua…
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Doanh Chính, Lê Thanh*- Cao lanh hay đất cao lanh, kaolin là một loại đất sét màu trắng, bở, chịu lửa, với thành phần chủ yếu là khoáng vật kaolinit cùng một số khoáng vật khác như illit, montmorillonit, thạch anh... Trong công nghiệp, cao lanh được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như sản xuất đồ gốm sứ, vật liệu chịu lửa, vật liệu mài, sản xuất nhôm, phèn nhôm, đúc, chất độn sơn, cao su, giấy, xi măng trắng…

  • Hiện nay, giá đất cao lanh rao bán trên mạng internet từ 50-500 USD/tấn (khoảng 1 đến hơn 10 triệu đồng/tấn) tùy từng loại sản phẩm”. *