Cấp miễn phí thẻ BHYT: Cứu cánh cho sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số

Tư vấn khám chữa bệnh cho đồng bào DTTS tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Số liệu từ báo cáo Tổng kết 9 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh của Ủy ban Dân tộc cho thấy tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) tăng dần trong những năm qua. Năm 2016, hơn 91% đồng bào dân tộc có thẻ BHYT; năm 2017, con số này là 92,05% và năm 2018, là 93,68%.

Trong báo cáo có nêu về trường hợp một gia đình ở tỉnh Kon Tum sinh sống tại làng Đăk KRong, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, gia đình A Trung dân tộc Xơ Đăng càng thêm phần khó khăn khi vợ anh sinh người con thứ 8. Hàng ngày chỉ quanh quẩn với nương rẫy và góc bếp,;cuộc sống kinh tế khó khăn, thiếu thốn đủ bề đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe gia đình. Nếu không có thẻ BHYT được cấp phát miễn phí, có lẽ anh Trung chỉ biết lên rừng, hái lá về tự chữa trị. Nhờ có thẻ BHYT của cả gia đình, A Trung đã yên tâm hơn, dù trạm y tế xã cách nhà tới 10km nhưng anh vẫn kiên trì đưa con đi khám, chữa bệnh. Cũng giống như gia đình A Trung, trên 4.000 nhân khẩu thuộc đồng bào dân tộc Xơ Đăng tại xã Đăk Pxi đều được cấp thẻ BHYT miễn phí từ ngân sách nhà nước.

Trong đợt về tỉnh Lao Cai công tác, chúng tôi được bà Nguyễn Thị Thanh Hải - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Lào Cai cho biết: Với đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới, các DTTS chiếm 64,09% dân số toàn tỉnh, đồng bào DTTS sinh sống ở vùng DTTS và miền núi đều được đảm bảo đầy đủ quyền lợi về chế độ, chính sách BHYT. Bảo hiểm xã hội tỉnh luôn quan tâm đến công tác lập danh sách và cấp phát thẻ BHYT, đảm bảo 100% đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh có thẻ BHYT. 3 năm qua, có trên 162.000 bệnh nhân nghèo, bệnh nhân là người DTTS được hưởng các chính sách hỗ trợ y tế.

Nếu như trước đây khi chưa có chính sách BHYT, chẳng may bị ốm, đồng bào thường tự chữa trị bằng các bài thuốc dân gian, đến khi bệnh nặng mới chuyển vào viện, nên thường bệnh lâu khỏi. Có nhiều nguyên nhân khiến bà con ngại đến bệnh viện như đi lại khó khăn, tâm lý không muốn xa nhà hoặc do nhận thức, nhưng lý do cơ bản nhất là khả năng kinh tế, bởi phần đa đồng bào DTTS là hộ nghèo, chi phí khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế vượt quá khả năng chi trả của bà con. Vì thế, nhờ có thẻ BHYT mà đồng bào DTTS đã được thụ hưởng các tiến bộ về y học, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bên cạnh những mặt đạt được, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe và BHYT cho đồng bào DTTS vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Hiện tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân còn thấp, thiếu cán bộ y tế có chuyên môn sâu, cán bộ người địa phương; cơ sở vật chất y tế ở vùng DTTS, miền núi còn thiếu, chưa đồng bộ. Ngoài ra, dù kết quả cấp thẻ BHYT miễn phí đạt tỷ lệ cao nhưng số lượt người khám, chữa bệnh, cũng như chất lượng khám, chữa bệnh ở cơ sở vùng DTTS và miền núi chưa thật sự hiệu quả. Cụ thể, tỷ lệ khám, chữa bệnh BHYT ở tuyến xã là 21,9% (2016); 19,9% (2017); 18,5% (2018). Việc rà soát, lập danh sách bà con được cấp phát miễn phí thẻ BHYT tại một số địa phương vẫn chưa chặt chẽ, còn bỏ sót đối tượng. Về phía người dân, thói quen sử dụng nhiều tên, nhiều năm sinh khác nhau, phát âm, viết chữ tiếng phổ thông hạn chế nên làm sai lệch giữa thông tin được in trong thẻ và các giấy tờ tùy thân khác, gây khó khăn trong việc quyết toán.

Ủy ban Dân tộc đã có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Khám, chữa bệnh theo hướng quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, dịch vụ khám, chữa bệnh cho đồng bào DTTS để người dân được thụ hưởng đầy đủ quyền được khám, chữa bệnh và chính sách theo quy định của Luật BHYT… Tiếp tục tăng cường bác sĩ về công tác tại bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế xã vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn… để góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

Trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây, Phó tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - Phạm Lương Sơn cũng cho rằng, cấp thẻ BHYT cho bà con vùng đồng bào DTTS mới là bước đầu, điều quan trọng là làm sao để tuyên truyền cho bà còn hiểu chính sách BHXH, BHYT là cứu cánh cho người già, người nghèo khi không còn sức lao động, cho người bệnh khi không may bị ốm đau, chủ động tham gia ngay cả khi không còn trợ cấp của Nhà nước. Chính sách cấp phát miễn phí thẻ BHYT cho bà con vùng DTTS ở những địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng về chi phí cho bà con mà còn gieo niềm tin đối với chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, tiến tới thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.

Mai Anh