Thường lệ, vào các ngày lễ hằng năm, nhất là dịp cuối năm này chúng tôi - những cựu binh già lại đến nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) thắp hương, tưởng nhở những người đồng đội thân yêu của mình đã hi sinh.
Nhưng rất tiếc là NTLS quê tôi (thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) lại nằm chon von mãi lưng chừng dãy núi Trường Lệ. Nghĩa trangcao quá mà chúng tôi thì tuổi già leo lên được đến nơi là rất mệt. Những năm gần đây thực hiện chủ trương “phủ xanh đất trống đồi trọc”, dãy núi Trường Lệ được trạm lâm nghiệp thị xã đem về trồng nhiều loại cây xanh, che kín cả khu vực nghĩa trang. Đứng ở chân dốc nhìn lên chỉ thấy những bậc xi măng màu xám. Đài tưởng niệm cũng bị cây xanh che khuất.
Gọi là lên NTLS, nhưng đúng hơn là leo lên NTLS, bởi từ chân núi lên đến tượng đài nghĩa trang phải qua 96 bậc uốn khúc, quanh co. Mới chớm vào tuổi “cổ lai hi” mà đến lưng chừng dốc tôi phải ngồi nghỉ để lấy sức leo tiếp. Mồ hôi đổ ra như tắm. Ngước nhìn lên, những bậc xi măng nối tiếp chạy dài hun hút giữa những hàng cây keo, bạch đản, phi lao của trạm lâm nghiệp…
Còn nhớ hôm 27-7 vừa rồi, tôi leo lên đến nghĩa trang, thấy chỉ có 3 vòng hoa đặt đơn độc dưới chân tượng đài NTLS (một của lãnh đạo chính quyền, MTTQ thị xã; một của các đồng chí thương binh thuộc Công ty xe ô tô điện 27-7 và một của các cháu thanh thiếu niên), xung quanh im ắng, vắng lặng. Hơn 300 ngôi mộ rêu phong, không một nén nhang, màu vôi trắng đã chuyển sang màu tro tàn. Có lẽ cũng vì NTLS đặt ở vị trí cao, lại khuất nẻo quá nên ít người lên.
Tôi đã chứng kiến có năm vào ngày 27-7, một đồng chí thương bình nặng đứng dưới chân dốc nhìn lên Đài tưởng niệm NTLS, miệng lẩm bẩm: “Chúng mày tha tội cho tao, muốn lên thắp cho chúng mày một nén nhang mà không leo lên được”.
Chắp hai tay, mắt hướng lên nghĩa trang vái mấy vái, anh thương binh thở dài, quay sang hỏi tôi: Đến bao giờ NTLS mới chuyển xuống dưới này, hả ông?
Từ “dưới này” của anh thương binh nghĩa là chuyển xuống vị trí thấp, thuận lợi cho mọi người đến viếng thăm.
Thế đấy, hơn 10 năm nay bao nhiêu ý kiến của nhân dân ở hội nghị tiếp xúc cử tri các cấp, trong đó có ý kiến của Hội CCB thị xã Sầm Sơn về việc di chuyển NTLS thị xã xuống vị trí thuận tiện cho mọi người đến viếng thăm, vẫn chưa được giải quyết. Câu trả lời duy nhất của lãnh đạo địa phương là: “Đã có dự án, nhưng chưa tìm được địa điểm thích hợp để xây dựng nghĩa trang mới”.
Có phải người có trách nhiệm vin vào từ “dự án” - bởi đã là “dự án” thì thời gian không thể khẳng định được. Còn địa điểm ư?, sao địa điểm xây dựng sân gôn rộng hàng trăm ha vẫn tìm được? Địa điểm xây dựng NTLS chỉ có vài nghìn mét vuông mà bao nhiêu năm nay vẫn chưa tìm được? Có phải khó tìm không, hay vì các nhà lãnh đạo chưa thật sự chú trọng, chưa thật sự lắng nghe ý kiến của dân?
Từ trên nghĩa trang đi xuống, tôi thấy có một thiếu phụ nâng một cụ già đứng dây. Họ là hai mẹ con-một mẹ chồng, một nàng dâu. Hai mẹ con thấp thửng xuống dốc núi. Hai thân hình gầy guộc, trải qua nhiều đau thương mất mát trong cuộc sống thường ngày. Hai thân hình đó thỉnh thoảng dừng lại. Cụ già lưng còng tựa vào vai người con dâu. Họ ngồi nghỉ để lấy sức tiếp tục xuống núi...
Tôi về mang theo một nỗi buồn man mác, khiến bước chân lê thật nặng nhọc. Không biết đến bao giờ dự án chuyển NTLS thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa quê tôi từ trên núi cao khuất nẻo xuống dưới để tiện người về thăm viếng mới được thực hiện?
Đinh Đình Tuất