Cao Lỗ Vương hay Cao Nỗ Vương

Ngày 29-4-2023 tỉnh Bắc Ninh, UBND huyện Gia Bình và nhân dân xã Cao Đức, dòng họ Cao Việt Nam long trọng kỷ niệm 2.300 năm ngày sinh Cao Lỗ Vương. Ông là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam.

Tìm trong Google thì ông họ Cao, tên Thông, người Trang Sỹ lộ, xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Thân thế sự nghiệp ông gắn với thời Thục Phán - An Dương Vương sau thời Vua Hùng, được ghi chép khá rõ ràng. Từ bé đã tỏ ra khôn ngoan lanh lẹn hơn chúng bạn. Ông là người đa tài, được Thục Phán yêu quý tin dùng cho nắm chức vụ cao. Ông đã tham mưu cho An Dương Vương chuyển kinh đô Lạc Việt về Cổ Loa thuộc vùng Phong Châu, Vĩnh Phúc, nay là Đông Anh, Hà Nội. Đó là khu đất trũng, bốn bề sông núi, rất tốt cho phòng thủ, nhưng xây dựng thành trì lại rất khó khăn, cứ xây nửa chừng là bị đổ vua chán nản vô cùng thì chính Cao Thông đã nghĩ ra dùng tre cật đan các rọ đá, lấy kim loại móc lại thành các khối mà sách ghi là “móng rùa” làm đế giúp vua xây được thành lũy cho nước Âu Lạc. Khi Vua nhà Triệu là Triệu Đà mang quân sang đánh chiếm Âu Lạc, Cao Thông lại chế ra nỏ Liên Châu (Linh Quang Thần Cơ) mũi tên bằng đồng, bắn một phát ra nhiều mũi tên quá lợi hại, góp phần đánh tan quân nhà Triệu. Với những tài năng đặc biệt đó, chàng trai họ Cao tên Thông đã được nhà vua phong Vương - ông vua của sáng kiến trong xây dựng và chế tạo vũ khí là Cao Nỗ Vương. Chữ “Nỗ” ở đây là nỏ - nghĩa là ông vua chế cung nỏ người họ Cao. Chả biết lý do kỵ húy hay thù ghét xuyên tạc mà sách sử lại ghi tên ông là Lỗ? (kèm truyền thuyết rằng ông không có cha, mẹ con ông phải ở trong cái hang bên bờ sông nên người ta mới gọi ông là Lỗ, tức cái hang).

Theo nhà thơ song ngữ Hán - Việt,Đặng Vũ Nguyên người xã Cao Đức quê hương của Cao Lỗ Vương, từ nhỏ ông đã nghe các cụ trong vùng bàn tới chuyện sai sót này. Chữ Hán “Nỗ” là cái nỏ, còn lỗ là cái hang không có ý nghĩa gì ở đây. Lịch sử không phải cái gì cũng dễ dàng làm sáng tỏ đến cùng được. Ngày 23-10-2024, tại thôn Tốt Động huyện Chương Mỹ Hà Nội diễn ra: “Lễ khởi công tạo hình mẫu tượng cha mẹ Lạc Long Quân - Âu Cơ và 100 người con trai” của nhà nghiên cứu văn hóa, nhà báo, nhà điêu khắc kiêm họa sĩ Trịnh Yên - Giám đốc UNESCO Mỹ thuật Việt Nam có đại diện nhiều cơ quan báo đài T.Ư đãbàn tới chuyện xem xét lại truyền thuyết “Mẹ Âu Cơ đẻ ra cái bọc 100 trứng” mà trống đồng thể hiện là ra cái bọc 100 noãn thể sau một năm đẻ 100 người con trai có lẽ sẽ chính xác hơn. Nhưng đó là truyền thuyết, Cao Nỗ Vương không thể là truyền thuyết. Cơ quan có trách nhiệm cần có hội thảo khoa học làm sáng tỏ về vấn đề này.

Hiện nay ở huyện Gia Bình có lăng mộ và đền thờ Cao Lỗ Vương, lăng mộ ở xã Vạn Ninh còn đền thờ ở quê ông xã Cao Đức, hai xã liền kề thuộc hạ lưu sông Đuống, nơi đất đai bằng phẳng, có cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp. Lăng mộ Cao Lỗ Vương bên bờ sông Thiên Đức, đền thờ Cao Lỗ Vương bên bờ Lục Đầu Giang. Đoạn cánh bãi ngoài sông của hai xã đã thuộc về thần mạch nhà Trần. Hai lần nhà Trần họp lấy ý kiến nhân dân ở Thăng Long xong lại về bãi sông này chọn ngày trăng sáng mở hội nghị (nguyệt bàn) trong nội tộc làm lễ tế thần trời, thần đất và thần sông mới bàn các giải pháp triển khai nghị quyết Thăng Long về kế sách đánh giặc bảo vệ đất nước. Nhà Trần đã ghi công chói lọi về thành tích chống giặc ngoại xâm mà sau những chiến công ấy bãi sông ấy đã chính thức có tên là Bãi Nguyệt Bàn, người đời sau đã xây đền thờ Tam Phủ thờ thần trời-thần đất và thần nước, ba vị thần lớn nhất trong vũ trụ. Gia Bình quê hương tướng quân Cao Lỗ đẹp tuyệt vời, có nhiều anh tài đất nước và di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia.

Quay trở lại ý kiến về sự mâu thuẫn về tên gọi Cao Lỗ Vương tức là ông vua họ  Cao tên Lỗ chả có ý nghĩa gì với thân thế sự nghiệp của ông. Chữ Vương ở đây là Vua trong lĩnh vực chế tạo vũ khí chứ không phải Vua của đất nước. Ông là ông vua làm nỏ họ Cao đấy mới là chính xác.

Trao đổi thêm, ở đình làng tôi, làng Đại Lai huyện Gia Bình cách làng Lộ xã Cao Đức vài cây số, thờ ba vị thành hoàng, trong đó có hai vị là Tam San Đại Vương và Ngọ Lang Đại Vương. Một ông cai quản ba ngọn núi, một ông là thầy thuốc. Khi dưới sông cái xuất hiện thủy quái hãm hại người và trâu bò, nhiều người hiến kế diệt thủy quái nhưng không thành, ông quản núi giết mổ 1 con heo, 10 con gà, cho vôi củ vào trong khâu lại ném xuống sông. Thủy quái nuốt gọn, sau vôi gặp nước nó sôi lên nổ tung bụng mà trừ được họa cho dân,được phong Vua tức Vương diệt thủy quái. Để ghi nhớ công lao của ông, dân làng tôn là Thành hoàng làng. Còn Ngọ Lang Đại Vương là ông thầy thuốc có công diệt được dịch tả cho dân được phong Vương, tức là giỏi chữa bệnh cứu dân, làng đã tôn làm Thành hoàng làng để ghi ân người có công với làng. Chữ Vương đi liền công việc, không phong vương cho một cái tên. Tra google thì chữ nỏ dịch sang tiếng Việt là “nỗ” hợp lý hơn là “lỗ”. Còn Cao Thông tài giỏi nhiều lĩnh vực như thế không thể lý giải như truyền thuyết mà phải có ảnh hưởng từ một gia đình không thể thấp hèn.

Nên có cái nhìn khoa học và công bằng với tiền nhân. Đầu xuân viếng mộ, thăm đền Cao Lỗ Vương ở Gia Bình xin lắng nghe và chia sẻ một đính chính hay, có cơ sở để độc giả cùng suy ngẫm.

Vũ Thế Thược