Cảnh giác với trò thổi phồng, làm giá ảo cây bạch hải đường

Nhiều chuyên gia cảnh báo mọi người không nên chạy theo cơn sốt, đổ tiền mua hải đường trắng giá cao.

Sau “cơn sốt” lan đột biến, thời gian gần đây trên thị trường xuất hiện thông tin nhiều người săn tìm mua cây bạch hải đường với mức giá cao ngất ngưởng từ vài chục đến vài trăm triệu, cho tới cả tỷ đồng một cây trưởng thành. Theo các chuyên gia sinh vật cảnh, người dân cần cẩn trọng với những chiêu trò thổi giá, kẻo mất tiền oan.

Những màn “đội giá” trên trời

T.P Việt Trì, tỉnh Phú Thọ những ngày này tấp nập người từ các địa phương khác tìm đến mua hoa bạch hải đường. Theo lời quảng cáo của các chủ vườn, số lượng người tìm hiểu, mua bán bạch hải đường ngày càng tăng và họ sẵn sàng trả giá rất cao đối với những cây trưởng thành, dáng đẹp. Bạch hải đường vì thế cũng được chào bán với giá từ vài chục cho đến vài trăm triệu đồng một cây. Cá biệt, có cây còn lên đến tiền tỷ.

Ông Trần Văn Quyền - một chủ vườn có tiếng ở T.P Việt Trì cho hay: Hải đường thường được chia làm các màu hoa như hải đường đỏ, hải đường trắng (bạch hải đường) hay hải đường vàng. Thời điểm cận Tết, hoa hải đường thường được rao bán chỉ vài trăm nghìn đến 1 triệu đồng/cây, nhưng giá bỗng tăng đột biến từ hơn 1 tháng nay. Hải đường trắng được săn lùng nhiều nhất, giá cao hay thấp phụ thuộc vào độ cao thấp của cây. Đơn cử, cây cao khoảng 10-14cm có giá từ 40-60 triệu đồng, cây cao từ 30-50cm giá từ 200-400 triệu đồng, cây trên 1m giá rẻ nhất cũng khoảng hơn nửa tỷ đồng. “Năm ngoái, tôi mua 5 cây bạch hải đường với giá 5 triệu đồng về trồng. Sau khi tạo dáng, đánh lên chậu thì có người hỏi mua với giá 40 triệu đồng/cây nên tôi bán ngay. Lúc đó tôi nghĩ mình trúng lớn, vậy mà vài hôm sau, cây hải đường trắng đó họ bán sang tay cho người khác với giá 100 triệu đồng/cây. Tôi tiếc hùi hụi vì mình bán hớ” - ông Quyền thông tin.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hải đường vốn là loại cây rất quen thuộc và được trồng nhiều ở các tỉnh phía Bắc như Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Hải đường cùng họ với hoa trà, đỗ quyên, là cây rất dễ nhân giống kể cả bằng gieo hạt, chiết, ghép cành. Loài này không cần phải sử dụng đến công nghệ hiện đại để nhân giống, chỉ cần dùng các biện pháp kỹ thuật truyền thống là cho ra cây con mang đầy đủ đặc tính cây mẹ. Nếu áp dụng thêm nhà lưới giâm cây, có hệ thống phun mù tự động, dùng thuốc kích thích ra rễ, phân bón phù hợp từng giai đoạn, chăm sóc phù hợp… cây sẽ sinh trưởng rất nhanh. Trước đây, người mua chủ yếu là hải đường đỏ do có ý nghĩa dưỡng phú quý.

Trong vai khách hàng có nhu cầu tìm kiếm một cây bạch hải đường cao khoảng 80cm, chúng tôi nhận được nhiều lời chào bán với lời cam kết về chất lượng cây được đảm bảo, giao tận nơi với nhiều mức giá từ 50-150 triệu đồng/cây.

Đừng để “tiền mất, tật mang”

PGS.TS Đặng Văn Đông - chuyên gia nghiên cứu về cây cảnh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, Học viện Nông nghiệp cho biết: Theo quan niệm của giới chơi hoa, hoa hải đường mang nhiều ý nghĩa khác nhau dựa vào màu sắc của từng loại. Cụ thể: Hoa hải đường đỏ mang ý nghĩa tượng trưng cho mùa xuân, sự may mắn, tài lộc và vinh hoa phú quý. Hoa hải đường vàng tượng trưng cho sự bền bỉ, trường thọ, sự may mắn trong cuộc sống. Hoa hải đường trắng tượng trưng cho sự trong sạch cao quý, tinh khôi, dịu dàng, đồng thời chúng còn mang ý nghĩa cho sự khởi đầu mới mẻ và tràn đầy sức sống. Cả ba màu của hoa hải đường đều phổ biến như nhau và được phân bổ khá đồng đều trong tự nhiên.

Cây bạch hải đường không hề có giá trị như những gì đang được quảng cáo khi rao bán trên thị trường. Trước đây, cơn sốt lan đột biến khiến nhiều cơ quan chuyên môn cũng như quản lý nhà nước phải vào cuộc làm rõ để cảnh báo. Thế nhưng do lợi nhuận quá cao, trong thời gian ngắn, dễ dàng, nên nhiều người điều kiện kinh tế khó vẫn đi vay mượn người thân, ngân hàng để đầu tư. Nhiều người đã mất nhà, mất đất, mất sạch tài sản từ cơn sốt này. Đến nay, chiêu trò thổi giá bạch hải đường cũng tương tự, người chơi phải đối mắt với rất nhiều rủi ro.

Ông Nguyễn Hữu Vạn - Chủ tịch Hội sinh vật cảnh Việt Nam cũng cho rằng: Khác với loại hàng hóa khác, cây cảnh không có một mức giá cố định để đo lường là đắt hay rẻ. Người thích thì có thể trả giá cao nhưng không thích thì cho cũng không lấy. Chính vì khó định lượng, nên nhiều người lợi dụng điều này để thổi giá, dùng các chiêu quảng cáo, hứa hẹn nâng vống giá trị của cây. Quy trình sẽ là, ban đầu họ thu mua cây với giá cao, tạo cơn sốt ảo, khi thị trường khan hiếm, khắp nơi lùng sục để mua cây thì chính họ lại ung dung bán ra với giá trị cao gấp nhiều lần mức giá thu mua ban đầu để thu lời. Nhiều người chơi yêu cây, họ sẵn sàng bỏ ra cả tỷ đồng để sở hữu một cây cảnh độc lạ là có. Tuy nhiên, những cây này không phải đại trà, mà phải là hàng cực quý hiếm, người chịu bỏ tiền ra như vậy cũng là người đam mê và có hiểu biết về cây cảnh. Số này cũng không nhiều. Còn việc bỏ tiền ra đầu tư mua cây lướt sóng ăn theo cơn sốt thì khác hoàn toàn về bản chất, người mua phải thận trọng, cảnh giác.

Ông Nguyễn Hữu Vạn đưa ra đề nghị, cơ quan chức năng cần có những cảnh báo cụ thể để người dân không bị lừa như hàng loạt vụ trước: “Những chiêu thổi giá, ém hàng này không khác gì phong trào chơi lan đột biến thủơ nào. Với nhiều chiêu trò tinh vi, loại cây này được dân chơi thổi giá lên với những mức giá trên trời, người dân không tỉnh táo sẽ rất dễ sập bẫy giống như đầu tư lan đột biến. Với kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng “cơn sốt” bạch hải đường sẽ sớm hạ nhiệt bởi vốn dĩ loài hoa này không hiếm, chăm sóc không quá cầu kỳ” - ông Vạn kết luận.

Hóa Võ