Cảnh giác trước những cú lừa này là điều cần làm để người lao động tránh trở thành những nạn nhân bất đắc dĩ.

Bên cạnh những thông tin tuyển lao động xuất khẩu chính thống, chúng ta dễ dàng bắt gặp những quảng cáo tuyển lao động xuất khẩu rất hấp dẫn từ các công ty TNHH nhằm vào những thị trường có thu nhập cao như Ca-na-đa, Mỹ, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản… Cùng với đó là một số cán bộ chi nhánh, trung tâm thuộc một số doanh nghiệp đầu mối và một số doanh nghiệp không có chức năng đưa người lao động đi xuất khẩu lao động cũng tham gia vào các hoạt động này. Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng sự cởi mở trong việc đăng ký thành lập doanh nghiệp mới đã nhập nhèm lập nên các trung tâm hoặc công ty cung ứng lao động, mượn danh pháp nhân hoặc mạo danh các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động với mục đích lừa đảo. Một số thủ đoạn lừa đảo xuất khẩu lao động là:

  • Rao vặt trên mạng, địa chỉ không rõ ràng để dễ bề mất tích sau khi nhận tiền của người lao động nộp vào.

  • Chọn lập trung tâm tuyển lao động xuất khẩu gần các doanh nghiệp có uy tín, có thương hiệu trong lĩnh vực này để lập lờ đánh lận con đen.

  • Cò mồi, vận động người lao động có nhu cầu xuất khẩu lao động đóng tiền qua trung gian hoặc các công ty môi giới không có chức năng xuất khẩu lao động.

  • Ký kết hợp đồng xuất khẩu lao động không bảo đảm, các chi tiết thoả thuận mơ hồ.

Do đã có những hiện tượng lừa đảo xuất khẩu lao động, các gia đình có ý định cho người thân của mình đi xuất khẩu lao động, đặc biệt là các gia đình CCB nên cảnh giác, tìm hiểu chi tiết và cụ thể, không giao tiếp với các hoạt động môi giới, cò mồi. Tốt nhất, nên giao dịch với các doanh nghiệp có chức năng XKLĐ, các Sở LĐ- TBXH của địa phương mình.

TUẤN TÚ