Cảnh giác với biến chứng bệnh đái tháo đường type 2
Đái tháo đường type 2 (hay còn gọi là tiểu đường type 2) chiếm 80% tổng số bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường. Triệu chứng lâm sàng của bệnh thường xuất hiện khi đường huyết tăng cao, vì vậy vấn đề chẩn đoán khó khăn với nhiều biến chứng đi kèm.
Nguyên nhân gây bệnh
Trao đổi với chúng tôi về nguyên nhân gây bệnh tiểu đường type 2, Bác sĩ Hoàng Hồng Quang, công tác tại Làng Hữu Nghị Việt Nam cho biết: “Bệnh tiểu đường type 2 về cơ bản là bệnh lý mà khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc khi cơ thể tự kháng với insulin được sản xuất. Có rất nhiều các nguyên nhân khác nhau gây nên bệnh lý này. Một trong những nguyên nhân phổ biến là do: Béo phì, ăn quá nhiều chất béo, ngồi làm việc quá nhiều, uống nhiều bia rượu, người cao tuổi, người có tiền sử rối loạn dung nạp glucose…”
Khó tránh những biến chứng!
Biến chứng của bệnh tiểu đường type 2 là không thể tránh khỏi. Chúng ta chỉ có thể làm chậm tiến triển và hạn chế mức độ của các biến chứng bằng cách quản lý tốt bệnh. Biến chứng cấp tính của bệnh là những biến chứng xảy ra đột ngột, diễn biến nhanh, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể đe dọa tới tính mạng của người bệnh như hạ đường máu, tăng đường máu. Các biến chứng mạn tính gồm: biến chứng chuyển hóa, bệnh lý thần kinh, bệnh lý võng mạc, bệnh lý cầu thận, bệnh lý bàn chân, bệnh lý mạch vành...
Điều trị bệnh tiểu đường type 2 như thế nào?
Việc điều trị bệnh tiểu đường type 2, theo bác sĩ Hoàng Hồng Quang thì phải kết hợp thuốc hạ đường huyết, kiểm soát chế độ ăn uống và có phương pháp luyện tập phù hợp.
Về chế độ ăn uống tùy theo cân nặng, giới tính, nghề nghiệp, thói quen và sở thích mà có chế độ khác nhau. Tuy nhiên, người mắc bệnh tiểu đường cần lưu ý một số yêu cầu về chế độ ăn như: đủ năng lượng cho hoạt động sống bình thường; thức ăn đa dạng, nhiều thành phần, cân đối về tỷ lệ các chất lipid, protid, glucid; đủ các yếu tố vi lượng; thực hiện thời điểm ăn, số lượng bữa ăn trong ngày phù hợp với sự thay đổi sinh lý của từng lứa tuổi. Nếu người bệnh tiểu đường kèm theo thừa cân hoặc béo phì, tỷ lệ các chất được đưa vào cơ thể cần giảm 10-20%; kết hợp điều chỉnh chế độ ăn với dùng thuốc điều trị (nếu có). Nên dùng các loại chất bột hấp thu chậm có trong khoai tây, ngũ cốc, gạo, sữa và các loại rau quả khác. Hạn chế các loại chất béo bão hòa (mỡ động vật) và các loại chất béo đã qua chế biến; nên dùng các loại đạm có nguồn gốc thực vật, ưu tiên ăn cá. Không dùng trực tiếp những loại thức ăn có thành phần đường hấp thu nhanh; chọn các loại trái cây nhưng với lượng vừa đủ, không nên lạm dụng. Khi đã ăn trái cây thì nên bớt lượng chất bột trong bữa ăn hàng ngày với liều lượng tương đương. Một ngày nên ăn khoảng 400g rau và trái cây tươi. Chất xơ ở rau quả làm giảm đường, làm chậm hấp thu đường. Bên cạnh đó, phải tránh các loại trái cây ngọt như nho, xoài, na, nhãn...
Khi chế biến thức ăn, nên chế biến bằng phương pháp luộc, hấp, nấu canh; tránh xào, chiên, đặc biệt là chiên giòn. Nên ăn theo đúng bữa trong ngày (sáng, trưa, chiều), tránh tối đa việc ăn khuya vì rất dễ làm đường huyết buổi sáng tăng (trừ trường hợp phải tiêm insulin buổi tối). Đặc biệt, người bị bệnh tiểu đường type 2 cần hạn chế rượu, bia.
Về luyện tập cần thực hiện hằng ngày và đúng cách là một trong những yếu tố quan trọng trong điều trị bệnh tiểu đường. Luyện tập giúp cơ thể tiêu thụ glucose dễ dàng, giảm lượng đường trong máu, giảm trọng lượng cơ thể, từ đó làm giảm các nguy cơ biến chứng của bệnh đái tháo đường.
Đối với bệnh nhân cao tuổi, khi luyện tập cần lựa chọn chế độ luyện tập phù hợp với tình trạng sức khỏe người bệnh. Không nên luyện tập quá sức vì luyện tập cường độ cao làm gia tăng nguy cơ tim mạch và chấn thương. Không nên tập thể dục vào thời gian quá sớm hoặc quá muộn trong ngày; không luyện tập khi đang mắc những bệnh cấp tính, lượng đường trong máu quá cao.
Vũ Minh