Hàng loạt thành quả của quá trình 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 đã được thể hiện trong đời sống xã hội đất nước những năm qua, thể hiện chủ trương, chính sách đúng đắn, những cách làm hay, công sức và trí tuệ của cả cộng đồng. Tính đến hết tháng 8-2015, cả nước đã có 945 xã thuộc 59 tỉnh, thành đạt chuẩn Nông thôn mới; 1.527 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí; chỉ còn 600 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Vừa qua, thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới cùng với các huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), Hải Hậu (Nam Định), Hóc Môn, Nhà Bè và Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), Đan Phượng (Hà Nội), Xuân Lộc và Long Khánh (Đồng Nai), Đông Triều (Quảng Ninh). Phong trào xây dựng nông thôn mới đang diễn ra sôi nổi tại các địa phương, thu hút nhiều nguồn lực và đông đảo người dân tham gia. Hiếm có phong trào nào, Chương trình nào lại thu hút được người dân tham gia tích cực như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; với việc hiến tặng hàng trăm triệu mét vuông đất, hàng trăm tỷ đồng tiền mặt; hàng chục vạn ngày công để cùng địa phương xây trường học, nhà trẻ, làm đường liên xã…
Bộ mặt nông thôn tại nhiều địa phương từ vùng núi cao phía Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên đến Nam Bộ đã có những thay đổi đáng kể theo hướng của 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhất là đường giao thông liên xã, liên ấp, đường kiên cố ra đến tận các cánh đồng; giúp thay đổi cơ bản cuộc sống của hàng chục triệu gia đình nông dân. 100% số xã trong cả nước đã hoàn thành việc lập quy hoạch và phê duyệt quy hoạch nông thôn mới, cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn được duy tu, nâng cấp, xây mới, tạo điều kiện cho người dân khu vực thực hiện các hoạt động kinh tế-xã hội. Dự kiến đến hết năm 2015 có 35,3% số xã trong cả nước đạt tiêu chí về đường giao thông; 52,7% số xã đạt tiêu chí thủy lợi; 80,9% số xã đạt tiêu chí về điện…
Nhờ đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập, điều kiện sống của người dân tại các vùng nông thôn được cải thiện và từng bước được nâng cao, thu nhập của người dân vùng nông thôn đạt bình quân 22,1 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm bình quân 2%/năm… Những kết quả này cho thấy mục tiêu 20% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới trong giai đoạn 2010-2015 chúng ta đã đạt được và hướng tới mục tiêu 50% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới vào năm 2020 là hoàn toàn khả thi.
Tuy nhiên, nhìn lại quá trình xây dựng nông thôn mới theo 19 tiêu chí đề ra trong thời gian qua còn nhiều bất cập. Sự đồng đều, tuy mang tính tương đối nhưng có sự chênh lệch khá rõ. Ở rất nhiều xã, nhất là các xã đã đạt đủ 19 tiêu chí theo quy định, tuy cùng đạt số lượng tiêu chí như nhau nhưng chất lượng cuộc sống, môi trường sống lại khác nhau nhiều; tính thiết thực của các công trình xã hội như chợ nông thôn, công trình thủy lợi… cũng khác nhau. Thứ hai là tình trạng “xin nợ” chỉ tiêu, thiếu một vài tiêu chí, hoặc tiêu chí mới dừng ở mức “gần đạt” nhưng cán bộ một số địa phương đã “xin nợ” để được tạm ứng chữ “hoàn thành”, rồi làm đẹp báo cáo, đề nghị công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới; sau khi đón rước danh hiệu thì mọi chuyện “quên đi” không thực hiện nốt. Thứ ba là chuyện “tốt vay, dày nợ”, nợ tiền xây dựng cơ bản, nợ chỉ tiêu. Vì bệnh hình thức, bệnh thành tích nên sau khi được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới thì địa phương lại khốn khổ tìm mọi cách để trả nợ, hoặc trở thành con nợ bất đắc dĩ trong hàng chục năm sau đó. Cũng vì bệnh hình thức, bệnh thành tích nên lại đã xảy ra chuyện một số nơi ép người dân tham gia xây dựng nông thôn mới theo định mức phải nộp trong khi hoàn cảnh thực tế của một số gia đình ở nông thôn rất khó khăn, kiếm được tiền ăn, sinh hoạt đã rất chật vật nhưng có khi lại phải đi vay lãi để nộp xây dựng nông thôn mới. Điều này làm giảm tính thuyết phục của phong trào, không phát huy hết quyền và nghĩa vụ của người dân. Những chuyện như thế này đã trở thành thực tế ở không ít địa phương trong cả nước.
Những phần việc tiếp theo của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn từ 2016 đến năm 2020 còn rất nặng nề. Các biểu hiện của căn bệnh hình thức, bệnh thành tích trong xây dựng nông thôn mới thời gian qua cần được phát hiện, khắc phục kịp thời để chúng không lây nhiễm ra diện rộng, đưa các kết quả xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất, mang tính bền vững và cải thiện cuộc sống người dân ở các vùng nông thôn nước ta ngày càng sâu rộng, hiệu quả.
Bài và ảnh: Thùy Liên-Vân Trang