Cảnh giác "bẫy" mua bán người

*Lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng trao trả nạn nhân của tội phạm mua bán người về với gia đình.
*

Hai con gái của gia đình ông LGD (bản Nậm Tột, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong) học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Tri Lễ, bị kẻ xấu nhắn tin qua facebook lừa đi tỉnh Lào Cai từ tháng 3-2018, đến nay vẫn chưa có tin tức. Đây là lời cảnh tỉnh cho phụ nữ, trẻ em gái vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) do nhẹ dạ, cả tin dễ mắc mưu kẻ xấu.

Trước tình hình trên, Đồn Biên phòng Tri Lễ đã phối hợp với Hội LHPN xã tổ chức truyền thông cộng đồng phòng chống mua bán người, phòng chống tảo hôn, phòng chống ma túy trên địa bàn. Chị Vi Thị Sinh - Chủ tich Hội LHPN xã cho biết: Qua các buổi tuyên truyền, chị em không chỉ được phổ biến nội dung Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm mua bán người; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Phòng, chống mua bán người, mà còn được tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; được giao lưu văn hóa, văn nghệ và thảo luận về các chủ đề: Nuôi con khỏe, dạy con ngoan; giới và bình đẳng giới; kỹ năng tổ chức cuộc sống trong gia đình; kỹ năng tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm... Từ đó, chị em dễ dàng nhận biết các dấu hiệu, thủ đoạn và hành vi lừa đảo của các đối tượng tội phạm mua bán người; qua đó, nâng cao tinh thần cảnh giác, không nghe theo những lời dụ dỗ đi làm ăn xa không có địa chỉ rõ ràng, tích cực đấu tranh tố giác tội phạm, nhất là tội phạm mua bán người.

Thông qua Hội LHPN xã, Đồn Biên phòng lựa chọn những địa bàn trọng điểm, nổi cộm, tiềm ẩn nhiều vấn đề về tệ nạn xã hội tuyên truyền trước, sau đó đến các bản khác trong toàn xã. Để chị em dễ dàng nắm chắc các nội dung, cán bộ tuyên truyền sử dụng cả 2 ngôn ngữ: Tiếng địa phương và ngôn ngữ phổ thông, cùng các dẫn chứng cụ thể sinh động để minh họa.

Chị Lương Thị Kim - Chi hội trưởng Phụ nữ bản Chọt cho biết: Phụ nữ trong bản đa phần làm nghề nông, nhận thức không đồng đều cán bộ tuyên truyền bằng những dẫn chứng, hình ảnh cụ thể diễn ra trong địa bàn và phổ biến cách phòng tránh nên chị em dễ nhận biết và thực hiện. Trong đó, tập trung vào đối tượng phụ nữ trẻ, thiếu việc làm, có thu nhập thấp, gia đình hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, nữ học sinh vị thành niên...

Bên cạnh đó, vai trò của Già làng, Trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng được phát huy tối đa; thông qua đội ngũ này, bằng hình thức tuyên truyền miệng, phân tích, lý giải, chỉ rõ âm mưu, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm thông qua các phương tiện như điện thoại, facebook, zalo... và phổ biến các cách phòng tránh để phụ nữ, trẻ em gái nâng cao cảnh giác. Đồng thời, khuyến cáo chị em khi phát hiện những kẻ lạ mặt, có những biểu hiện về hoạt động tội phạm thì kịp thời thông báo cho Ban Quản lý bản, chính quyền địa phương và đồn Biên phòng để có phương án xử lý.

Thiếu tá Phạm Trung Kiên - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Tri Lễ cho biết: Để khắc phục tình trạng phụ nữ, trẻ em gái trên địa bàn bị kẻ xấu lợi dụng, đơn vị đã tăng cường nhiều cán bộ có kinh nghiệm, biết tiếng của đồng bào, am hiểu phong tục, tập quán, trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân. Đồng thời, đơn vị tham mưu tổ chức các hoạt động, ký cam kết ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội (đặc biệt là tệ nạn buôn bán người, buôn bán sử dụng chất ma túy) giúp đồng bào hiểu đúng pháp luật của Nhà nước, chấp hành nghiêm và tích cực cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Hải Thượng