Canh chua nòng nọc của người Mường xứ Thanh
Ngoài canh đắng, bánh trứng kiến, thịt lợn muối chua, người Mường (Thanh Hóa) còn có món canh chua nòng nọc không kém phần bổ dưỡng, độc đáo và mới lạ. Đúng như tên gọi, nguyên liệu chính là nòng nọc nấu với măng rừng. Nhưng nòng nọc này không phải tùy tiện bắt ở ruộng hay ở mương rãnh, mà phải vào khe suối nước chảy trong vắt đặt bẫy mới được. Người Mường ở Thanh Hóa gọi món này là “bâu bâu”.
Bằng đôi bàn tay khéo léo, các chị các mẹ người Mường có thể chế biến nòng nọc thành nhiều món ăn khác nhau như nòng nọc kho, nướng sả, xào ớt... Nhưng ngon nhất vẫn là nấu canh với măng rừng.
Nòng nọc sau khi bắt về rửa sạch, loại bỏ tạp chất rồi dùng mũi dao nhọn hoặc gai bưởi gẩy nhẹ vào bụng, toàn bộ phần lòng ruột của nòng nọc sẽ trôi ra ngoài. Sau đó đem rửa lại cho thật sạch, để ráo.
Măng rừng tươi được sơ chế cho bớt đắng. Hành mỡ phi thơm xào cùng măng và mẻ. Khi mùi măng thơm bốc lên, người nấu lại cho nước sôi vào nồi. Phải là nước sôi để giữ được đúng vị măng rừng và vị ngọt của nòng nọc. Khi nồi canh đã sôi trở lại, nòng nọc được thả vào rồi lại đợi sôi thêm lần nữa. Sau đó cho thêm lá hành, răm, mùi tàu rồi bắc ra.
Những ai chưa từng ăn nòng nọc, sẽ dễ nghiêng về quan điểm cho rằng đó là món ăn quái dị, man rợ. Nhưng chỉ cần một lần nhắm mắt thưởng thức trong cái cảm giác sợ hãi; thì vị đậm đà ngọt dịu vừa chua lẫn ngọt của thịt nòng nọc hòa với măng rừng sẽ cuốn hút bạn. Nếu có dịp đến với bản Mường ở Thanh Hóa mùa nòng nọc, bạn đừng ngại ngần thưởng thức món ăn đậm chất núi rừng bên ly rượu cay nồng cùng chủ nhà sẽ là trải nghiệm khó quên.
Lô Giang