Căng thẳng leo thang giữa Áchentina và Anh liên quan tới quần đảo tranh chấp (03/02/2013)

Căng thẳng giữa Buênốt Airết (Buenos Aires) và Luân Đôn (London) gia tăng sau khi Ngoại trưởng Anh, Uyliam Hagơ (William Hague), ngày 31/1 ra điều kiện chỉ gặp người đồng cấp Áchectina để bàn về chủ quyền quần đảo tranh chấp mà phía Anh gọi là Phoóclen (Falklands) nếu có thành viên Hội đồng Lập pháp của quần đảo này tham gia.

Nhân dịp Ngoại trưởng Timécman tới Luân Đôn vào tuần tới để gặp các nhân sĩ của 18 nước châu Âu ủng hộ Buênốt Airết (Buenos Aires) trong cuộc đấu tranh đòi chủ quyền đối với vùng lãnh thổ nằm tại Nam Đại Tây Dương này, Đại sứ quán Áchentina tại Luân Đôn đã đề nghị thu xếp một cuộc gặp giữa ngoại trưởng hai nước để thảo luận về quần đảo tranh chấp, song phía Anh yêu cầu có sự tham gia của đại diện quần đảo này. Theo ông Timécman, việc ngoại trưởng một nước áp đặt điều kiện để gặp người đồng cấp một nước khác là hành động “không thể chấp nhận được". Ngoại trưởng Áchentina cũng chỉ trích việc Anh đã tiến hành quân sự hóa quần đảo chỉ có khoảng 3.000 dân này, và nêu rõ đây là vùng đất bị quân sự hóa nhất thế giới bởi tính trung bình cứ 3 người dân lại có một người lính.

Gần 31 năm trước, ngày 2/4/1982, Áchentina cho quân đổ bộ lên Manvinát với mong muốn giành lại quần đảo, song đã thất bại. Cuộc chiến kéo dài 74 ngày này đã khiến hơn 900 binh lính thiệt mạng, trong đó phần lớn là binh sĩ của Áchentina.

Trong thời gian gần đây, Áchentina đã gia tăng nỗ lực nhằm đòi lại chủ quyền đối với quần đảo Manvinát. Tổng thống nước này Crixtina Phécnanđết (Cristina Fernández) hồi tháng 6/2012 đã có phát biểu tại Đại Hội đồng và Ủy ban Phi thực dân hóa của Liên hợp quốc (LHQ), cáo buộc Anh "làm ngơ có hệ thống" các nghị quyết của LHQ liên quan quần đảo này.

Tháng 3 tới, người dân Manvinát sẽ tham gia một cuộc trưng cầu ý dân để quyết định quần đảo có tiếp tục mang quy chế là một trong những vùng lãnh thổ của Anh ở hải ngoại hay không.

Từ năm 1965, LHQ đã thông qua nhiều nghị quyết kêu gọi hai bên đàm phán giải quyết bất đồng. Tuy nhiên, Luân Đôn luôn từ chối thương thuyết với lý do tôn trọng quyền và nguyện vọng của người dân trên quần đảo muốn lãnh thổ này thuộc chủ quyền của Anh. Phía Áchentina phản đối lập luận trên, khẳng định rằng sau khi chiếm đóng Manvináts năm 1833, Anh đã trục xuất người Áchentina và đưa người Anh tới sinh sống nên nguyện vọng mà Luân Đôn nói đến chỉ là nguyện vọng của những “kẻ thực dân”./.

Theo CPV

(TH)