Cẩn trọng khi dùng lá trầu chữa bệnh
Bệnh viện Da liễu T.Ư vừa điều trị cho bệnh nhân là một cô gái trẻ. Cách đây 4 năm, sau khi được mách bảo về cách trị hôi chân, cô gái này bị đã dùng lá trầu không ngâm chân. Trong thời gian ngâm hai chân, cô gái dùng tay phải vớt nước để tưới thêm vào mu và cẳng chân. Chỉ sau đó một ngày, nữ bệnh nhân xuất hiện đỏ da, bong vảy và hình ảnh hai chân cũng như tay phải trắng giống như người bị mắc bệnh bạch biến. Trong 4 năm qua, bệnh nhân điều trị bằng cả hai loại thuốc uống và bôi nhưng không đạt được hiệu quả điều trị.
Bác sĩ chuyên khoa da liễu cho biết: Nữ bệnh nhân này có tổn thương điển hình của bệnh bạch biến. Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự dẫn tới tình trạng bệnh lý này là viêm da tiếp xúc giảm sắc tố do lá trầu không. Bệnh nhân được điều trị theo phác đồ, sau 1,5 tháng không đỡ. Các bác sĩ đã sử dụng thuốc excimer phối hợp tacrolimus điều trị cho nữ bệnh nhân. Nếu không hết hoàn toàn, bệnh nhân có thể sẽ được cấy tế bào hắc tố vào vùng tổn thương.
Các bác sĩ phân tích, tác dụng phụ của lá trầu không là khi được hấp, chiết xuất để bôi hoặc ngâm có thể gây viêm da tiếp xúc nặng, tăng, giảm sắc tố. Lá trầu chứa phenolic compounds có cơ chế ức chế sản xuất melanin và lột da nên có tác dụng làm trắng nhanh. Nhóm này bao gồm benzen, phenol, catechol, hydroquinone. Nếu dùng lá trầu lâu dài sẽ làm mất hoàn toàn màu da tạo thành hình ảnh giảm sắc tố hình chấm trên nền tăng sắc tố. Tác dụng giảm sắc tố của những chất này sẽ tự mất đi theo thời gian. Nhiều người có thói quen ăn trầu cũng dẫn đến việc giảm sắc tố vùng khoang miệng.
Hải Tiến