Cần trang bị áo phao cho khách đi phà
Hành khách trên phà An Hòa - Chợ Vàm không được trang bị áo phao hay phao cứu sinh.
Những ngày đầu tháng 3-2022, tôi cùng nhóm bạn có chuyến đi “phượt” từ T.P Hồ Chí Minh tới một số tỉnh miền Tây bằng xe gắn máy. Khi từ quốc lộ 30 ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp), vượt sông Mê Kông sang huyện Phú Tân (An Giang), chúng tôi đi qua bến phà An Hoà - Chợ Vàm. Mặc dù tại bến phà này, khúc sông khá rộng, lưu lượng người qua phà rất đông đúc, nhưng “nhà phà” không hề trang bị phao hay áo phao phát cho khách đi phà qua sông…? Mang thắc mắc này hỏi một nữ hành khách, chị cho biết, từ lâu nay, hằng ngày chị vẫn qua sông ngày hai lượt nhưng không thấy ai mặc áo phao hay được trang bị phao bên người mỗi khi qua phà bao giờ…(?!).
Khi qua phà An Hoà - Chợ Vàm, chúng tôi tiếp tục qua sông bằng phà tại bến Châu Giang, nối từ thị xã Tân Châu sang T.P Châu Đốc. Lúc lên phà, chúng tôi cũng không thấy hành khách nào được trang bị phao hay áo phao gì cả…? Một người bạn trong nhóm, vốn sinh ra và lớn lên tại T.P Long Xuyên và từng rất nhiều lần đi đò, qua phà tại nhiều khu vực ở ĐBSCL, kể cho tôi rằng khách đi phà, đò qua sông, lâu nay dường như đã bị “bỏ quên” việc trang bị phao, áo phao. Phải chăng, vẫn chưa có vụ tai nạn gây hậu quả lớn về người từng xảy ra trong những năm gần đây trên các chuyến đò, chuyến phà qua sông ở các tỉnh ĐBSCL, nên công tác vận chuyển hành khách bằng đường thuỷ mới lơ là, chủ quan như vậy…(?!).
Chúng ta đều biết rằng, việc vận chuyển, chuyên chở hành khách trên sông nước là không thể chủ quan được bởi nước ta đã từng xảy ra rất nhiều các vụ tai nạn đường thuỷ nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và của. Vụ lật ca nô chuyên chở khách du lịch thăm cù lao Chàm tại biển Cửa Đại (Quảng Nam), làm chết 17 người, xảy ra ngày 26-2-2022 là một ví dụ đau lòng.
Vẫn biết rằng các vụ lật ca nô, chìm phà, đắm thuyền… có thể tới từ nhiều nguyên nhân khác, thế nhưng, khi có áo phao và phao cứu sinh thì chắc chắn những hành khách gặp nạn có tỷ lệ sống sót là rất cao. Vì vậy, cơ quan chức phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc trang bị áo phao và phao cứu sinh cho khách tại các cơ sở kinh doanh vận chuyển khách bằng đường thuỷ, chứ đừng “bỏ quên” như bấy lâu nay. Nếu phát hiện cơ sở nào lơ là, không trang bị áo phao và phao cứu sinh cho khách khi qua sông thì phải xử lý nghiêm để tạo sức nặng răn đe…
Bài và ảnh: Đặng Đức