Cần sự nhìn nhận đúng đắn về đời sống những người không lương và lương thấp (09/06/2010)
Thời gian qua, Báo CCB Việt Nam nhận được khá nhiều đơn, thư của bạn đọc yêu cầu thông tin về vấn đề của người không lương và lương thấp trong cuộc sống hàng ngày có sự ảnh hưởng rất lớn từ vấn đề giá cả thị trường tới kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XII. Nhân dịp này, theo yêu cầu bạn đọc, PV Báo CCB Việt Nam xin nêu một số thông tin và những yêu cầu thực tế.
Nước ta khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn chiếm trên 80%, do đó tính theo tỉ lệ người có thu nhập từ đồng lương và nông dân thì còn khá chênh lệch. Trong khi đó, giá cả sinh hoạt của xã hội đa phần lại dựa trên cơ sở của người hưởng lương. Giá cả thị trường phi mã, người không hưởng lương hoặc lương thấp phải gồng mình lên để đối phó.
Tâm sự của người không lương và lương thấp
Theo bước phát triển của đất nước suốt từ năm 1986 trở lại đây, không ai có thể phủ nhận sự chuyển động theo hướng tích cực trong nhiều mặt - đặc biệt là kinh tế - xã• hội. Tuy nhiên, đây mới tính tỉ lệ xuất phát điểm của nước ta trong thời kì đó và được thể hiện phần nào ở khu vực đô thị - thể hiện rõ là các đối tượng hưởng lương nói chung. Thực tế, đời sống sinh hoạt của những đối tượng không lương và lương thấp ở nước ta còn nhiều việc phải bàn. Không ít người ở các đô thị trong cả nước cho rằng: “… Đời sống của dân ta ngày càng phát triển… Cứ nhìn mà xem, các quán nhậu, nhà hàng từ trưa trở đi “rất nhộn nhịp”… Ngày nghỉ cuối tuần hoặc các ngày nghỉ lễ tết, nhiều gia đình lên kế hoạch xem đi nghỉ ở đâu…”. Thực ra những đối tượng trên, 95% là công chức - công sở, nói chung là những người hưởng lương và có điều kiện. Ông Phan Văn Khanh, nông dân ở thôn Ba Trại, xã• Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định tâm sự: “Trước đây gọi là chưa phát triển thì cuộc sống gia đình còn đỡ lo. Bây giờ giá cả cái gì cũng cao ngất trời, một tháng khó kiếm đâu ra 500 ngàn tiền mặt… nhà bốn miệng ăn vất vả quá”. Bà Nguyễn Thị Lý, thường trú số 3, ngõ 514, Thụy Khuê, Hà Nội: “Nhà tôi có năm người, một được thu nhập lương hơn ba triệu đồng, hai đứa đang đi học… Sống giữa thành phố giá cả đắt đỏ như hiện nay thì anh thử tính xem…”. Bà Trần Kim Thanh, ở số 2/27/100 ngõ chợ Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội, buồn buồn: “Nhà tôi gốc Hà Nội đấy… hai vợ chồng về “một cục” từ 15 năm nay, hiện phải chạy vạy, cậy nhờ gia đình, bạn bè để sống qua ngày và nuôi hai cháu đang học đại học, nguyên tiền thuê nhà trên ba triệu đồng/tháng...”.
Đâu là tác nhân của việc tăng giá
Giá cả sản phẩm có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống sinh hoạt của con người, nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường, nhiều lúc giá cả sản phẩm không phản ánh đúng bản chất đích thực từ nhà sản xuất, mà lại bị lôi cuốn theo chiều hướng môi trường kinh doanh có văn hoá hay không. Thực tế, ngoài thị trường động một tí lại đổ cho việc giá vàng, đô-la, dầu… thế giới tăng mạnh, rồi tăng lương… và cứ thế tự tăng giá một cách khó hiểu. Điều đáng nói nữa là mỗi lần tăng giá sản phẩm thì ít có trường hợp nào hạ giá sau khi thị trường trở lại ổn định hoặc giảm nhiều lần…
Thực tế cho thấy, sản phẩm từ nhà sản xuất đến được người tiêu dùng đích thực phải qua khá nhiều nấc: từ người thu mua, vận chuyển, thuế… cho tới mặt bằng tập kết sản phẩm để đến tay người tiêu dùng. Xin đưa mấy con số cụ thể đối với một số sản phẩm: hoa hồng đã• mua qua một nấc - trả mười lăm ngàn (bán trên vỉa hè) được năm mươi bông, khi ra chợ thì hai ngàn đồng mua được một bông; một bát phở chất lượng tính chi li hết mười ngàn (ở tỉnh lẻ không tới), nhưng khi vào tiệm thì lên tới mười lăm, hai mươi lăm ngàn (tính ở một số đô thị lớn); một đĩa rau muống luộc một nghìn đồng thì vào tiệm phải chi mười đến mười lăm ngàn… Đấây chưa tính vào các nhà hàng sang trọng. Như vậy, từ giá gốc của sản phẩm đến tay người tiêu dùng gấp hàng chục lần. Tìm đến cội nguồn thì được biết nguyên nhân chính là do tiền thuê mặt bằng để sản xuất, tiêu thụ… sản phẩm quá cao. Một số chủ quán ở phố Lý Thường Kiệt, Giảng Võ, Phan Bội Châu, Hà Nội cho hay: “Thực ra chúng tôi đâu muốn bán đắt. Mặt bằng chúng tôi thuê đây cả mấy chục triệu, có chỗ cả gần trăm triệu đồng/tháng. Ngoài ra còn nhiều thứ tiền “phải chi” lắm anh ạ”.
Cần sự tác động của cơ quan chức năng
Trên đây là một số sản phẩm có trị giá thấp. Còn các loại sản phẩm có trị giá cao thì còn xa vời đối với người không có thu nhập hoặc thu nhập thấp (tính cho đối tượng không hưởng lương và lương thấp). Có thể nói một số sản phẩm mang tính cấp thấp thì ít bị ảnh hưởng do sự biến động về giá cả của thế giới; vì những sản phẩm này ít có quan hệ với các sản phẩm mang tính công nghệ cao. Như vậy, giá cả của các loại sản phẩm mang tính cấp thấp (rau, quả, thịt cá…) có thể tự kiềm chế và kiểm soát được. Từ tính giáo dục cộng đồng, dân trí, văn hoá của người dân cần phải có sự đầu tư và quan tâm nhiều của các cơ quan chức năng. Một vấn đề (chưa muốn nói là sai lầm) cần phải nhìn lại, ai đó vẫn coi việc ăn uống… phục vụ cho sinh hoạt của con người bây giờ rất bình thường.
Vấn đề mấu chốt cho việc phát triển kinh tế - xã• hội của đất nước là cần phải chú ý đến khâu đầu tiên bắt nguồn từ hạ tầng cơ sở. Chúng ta vẫn biết Việt Nam, nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn chiếm tới hơn 80%, cho nên tầm vĩ mô cần phải chú ý đến tiềm năng - giá trị thật này. Tức là cần phải đầu tư vào công tác tuyên truyền, giáo dục và khuyến khích tạo mọi điều kiện để thúc đẩy tự sản xuất trong nước với giá thành sản phẩm phù hợp với thu nhập của người tiêu dùng; đồng thời phải cương quyết sản xuất hàng xuất khẩu theo quy ước và tiêu chuẩn quốc tế.
Trở lại vấn đề của cơ quan chức năng có tác động đến giá cả một số sản phẩm mang tính cấp thấp hay không. Xin đưa ra hai vấn đề cụ thể: Thứ nhất, sản phẩm nông nghiệp thực phẩm (sản phẩm cấp thấp), loại sản phẩm này cần đến phân bón và công nghệ chế biến, bảo quản; như vậy có thể nói là nằm trong tầm tay của nước ta (đội ngũ nhà khoa học của ta khá dồi dào và phù hợp) - đây là tính chủ quan. Thứ hai, các loại sản phẩm mang tính cấp cao - cần phải nhập khẩu do đó ít nhiều bị ảnh hưởng đến biến động của thị trường giá cả thế giới - đây là tính khách quan. Thời gian qua, thị trường bất động sản (nhà - đất) ở nước ta là vượt quá sự kiểm soát của tầm vĩ mô. Có thể nói thị trường nhà - đất là một trong yếu tố để giá cả trong nước đi theo, vì sự ảnh hưởng của tiền thuê mặt bằng tính vào giá thành sản phẩm.
Đảng và Nhà nước luôn vận động, khuyến khích đẩy mạnh công tác sản xuất trong nước và xuất khẩu sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn của thị trường. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có sự kiểm soát, tác động về nhiều mặt để tư duy, sắp xếp lại thị trường giá cả, đặc biệt là thị trường nhà - đất. Nên chăng có quy định cụ thể về mặt bằng giá đối với thị trường nhà - đất; có sự điều hành kiểm soát của cơ quan nhà nước, không nên để trôi nổi - vì đất đai là tài nguyên của quốc gia, không thể biến thành sản phẩm mua bán của tập thể - cá nhân nào. Mặt khác, hiểu và nhìn nhận thật khách quan với cụm từ giá - lương - tiền.
NGƯỜI DÂN