Cần sự hỗ trợ của cộng đồng trong xác định danh tính liệt sĩ
Trong suốt những năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân đã có những hoạt động thiết thực, tích cực nhằm “Đền ơn đáp nghĩa” đối với thương binh, gia đình liệt sĩ. Chúng ta đã có những việc làm thể hiện sự tri ân đối với những người con đã hi sinh một phần xương máu vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, với những gia đình có con em vĩnh viễn nằm lại chiến trường, song mong ước sớm đưa liệt sĩ trở về quê nhà, sau mấy chục năm các anh nằm lại chiến trường xưa vẫn là niềm hy vọng của nhiều gia đình.
Trong thời gian vừa qua, có những vụ việc gây rung động dư luận, liên quan đến việc sử dụng phương pháp ngoại cảm của những “nhà ngoại cảm rởm” để tìm hài cốt liệt sĩ. Hậu quả từ việc tìm kiếm liệt sĩ bằng phương pháp phản khoa học gây ra nỗi đau tinh thần to lớn và những tốn kém không đáng có cho không ít gia đình liệt sĩ; tạo ra những ảnh hưởng xấu trong dư luận và làm mất ổn định xã hội; gây khó khăn cho việc tiến hành các công tác chính sách của Đảng và Nhà nước ta…
Ban chỉ đạo Đề án xác định danh tính liệt sĩ đã có văn bản nêu rõ: Không công nhận danh tính liệt sĩ tìm kiếm bằng phương pháp ngoại cảm. Các bộ, ngành đã thống nhất coi phương pháp xác định ADN là phương pháp chủ đạo để xác nhận danh tính liệt sĩ. Ngoài ra còn các phương pháp khác như: theo hồ sơ chôn cất, các di vật của liệt sĩ…
Thực tế nhiều năm qua, mỗi năm có khoảng 1.500 mẫu hài cốt liệt sĩ và thân nhân gửi đến để phân tích, đối khớp, so sánh và 2.000 mẫu hài cốt liệt sĩ lấy mẫu ở các nghĩa trang liệt sĩ nâng cấp và các đội quy tập. Tuy nhiên, công tác giám định ADN hiện nay đang đứng trước những khó khăn nhất định, như số lượng hài cốt liệt sĩ cần giám định ADN nhiều; chất lượng hài cốt trong một số mộ được khai quật không tốt; cơ sở xét nghiệm, nguồn nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ giám định ADN còn có những hạn chế nhất định; việc lấy mẫu sinh phẩm từ thân nhân liệt sĩ khó khăn do sự biến động về chỗ ở của họ sau hàng chục năm…
Theo Đề án 150, thì mục tiêu đề ra là đến năm 2015 xác minh được khoảng 10.000 hài cốt, năm 2020 xác minh được 80.000 hài cốt. Tuy nhiên, tính trong năm 2013 cả 3 cơ sở giám định gene (Viện Pháp y quân đội-Bộ Quốc phòng, Viện Công nghệ sinh học-Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Kỹ thuật hóa sinh và Tài liệu nghiệp vụ-Bộ Công an) mới giám định có kết quả 285/292 mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ. Để có thể hoàn thành nhiệm vụ mà Đề án 150 đã đề ra, theo đề nghị của các bộ, ngành liên quan, ngày 25-7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý đầu tư xây dựng 2 cơ sở giám định ADN xác định hài cốt liệt sĩ với tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng. Cũng rất cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành và toàn xã hội, thông qua việc hỗ trợ kinh phí, đào tạo nguồn lực, cung cấp thông tin về liệt sĩ… Đây sẽ là cơ sở để hoàn thành mục tiêu mà Đề án 150 đã đề ra, nhằm giảm đi số mộ liệt sĩ còn mang dòng chữ: “Chưa xác định tên”.
Bài và ảnh: Mai Anh