Cần những giải pháp thích hợp cho chính sách dạy nghề đối tượng DTTS
Tuy vậy tỷ lệ người DTTS được đào tạo nghề còn thấp so mục tiêu đặt ra. Trong quá trình triển khai ở một số địa phương còn hạn chế, yếu kém đòi hỏi cần sự quan tâm đúng mức của cả hệ thống chính trị. Chỉ 3% người DTTS trong độ tuổi được học nghề, số học nghề dù có việc làm tới 70% nhưng không bền vững. Đây là những vấn đề được đưa ra tại diễn đàn “Đào tạo nghề vùng dân tộc thiểu số - Những thách thức và giải pháp” diễn ra trong tháng 9-2017.
Báo cáo nghiên cứu do tổ chức Oxfam thực hiện trong 3 năm dựa trên kết quả khảo sát tại 7 tỉnh (Lào Cai, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Đắk Nông, Ninh Thuận, Trà Vinh) chỉ ra nhiều bất cập trong công tác đào tạo nghề cho DTTS. Cụ thể, việc lập kế hoạch và cơ chế phân bổ ngân sách đào tạo nghề chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch. Theo Đề án 1956, cơ cấu kinh phí dự kiến giai đoạn 2010-2020 dành cho tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trung tâm dạy nghề công lập là 15%, hỗ trợ DTTS học nghề là 78%, còn lại là chi cho hoạt động khác. Tỷ lệ lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt là người DTTS số được đào tạo nghề chỉ chiếm 3% so với tổng số người dân tộc trong độ tuổi lao động; chất lượng đào tạo còn thấp, nhân lực qua đào tạo chưa thích ứng với phương thức sản xuất mới… Nghiên cứu của Oxfam tại 7 tỉnh cũng cho thấy các chương trình dạy nghề cho người dân tộc chưa phù hợp. Nhiều nông dân có chứng chỉ nghề nhưng chưa từng làm nghề đã học; trong khi đó, nhiều người khác lại muốn học nghề gắn với công việc đang làm thì lại không có lớp đào tạo.
Đơn cử như nghề nông nghiệp và nghề phi nông nghiệp là hai lĩnh vực được đào tạo cho người dân nông thôn. Trong hơn 6 năm qua, đối với nghề phi nông nghiệp, đa số các địa phương đều gói gọn trong các nghề như: Tin học văn phòng, may công nghiệp, nấu ăn, điện dân dụng, mây tre đan… Đã có chuyện là dạy tin học cho người nghèo, đồng bào DTTS khi họ không có máy tính, internet. Nghề nông nghiệp cũng có tình trạng nghề phù hợp và cần thiết tại địa phương thì không dạy.
Bên cạnh đó, giữa các chính sách vẫn còn chồng chéo, như trong nhóm chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn, cùng đối tượng là người DTTS nhưng lại thụ hưởng nhiều chương trình hỗ trợ khác nhau. Điều này khiến cho các địa phương lúng túng trong thực thi chính sách và khó khuyến khích người học nghề theo đúng mục tiêu của các chương trình này.
Mặc dù qua nghiên cứu của tổ chức Oxfam, ở một số địa phương có nhiều mô hình hay cách làm tốt gắn với đào tạo nghề, phù hợp với đặc thù địa phương. Tuy nhiên, thực tế việc triển khai các mô hình, cách làm trên vẫn còn nhiều khó khăn, mới chỉ là nỗ lực đơn lẻ tại các địa phương do thiếu các quy định và hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu, đánh giá thực trạng, tìm hiểu nguyên nhân, đề xuất giải pháp, xây dựng mô hình để đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nghề, cả về quy mô, chất lượng đào tạo và hiệu quả đào tạo nghề cho vùng DTTS và miền núi phía Bắc Việt Nam. Đó là một yêu cầu cấp bách hiện nay.
Mai Anh