Cần “những cái nắm tay” (10/10/2012)
Rõ ràng, không thể phủ nhận rằng hội nghị này và các hội nghị liên quan diễn ra cuối tuần qua bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tại Niu Y-oóc đã đạt được sự đồng thuận quan trọng. Việc các ngoại trưởng ASEAN đã thông qua danh mục các kết quả chính của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 45, khẳng định quyết tâm triển khai hiệu quả các kết quả này; nhất trí việc thực hiện Tuyên bố 6 nguyên tắc về Biển Đông, thúc đẩy đàm phán chính thức ASEAN - Trung Quốc về COC... là những ví dụ cho thấy tầm quan trọng của nó.
Thực tế chỉ ra rằng, trong thời gian qua, việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển trong khu vực, trong đó có khu vực Biển Đông là một trong các trọng tâm của ASEAN. Để đạt được điều đó, ASEAN đã không ngừng tăng cường đoàn kết nội khối, nỗ lực phát huy vai trò trung tâm trong triển khai các trọng tâm và ưu tiên của hiệp hội, nhất là các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực; đồng thời giữ vững các nguyên tắc cơ bản của hiệp hội, trong đó có nguyên tắc tham vấn, đồng thuận, không can thiệp… Đây chính là các yếu tố tạo nên sức mạnh và giá trị của ASEAN, tạo cơ sở để ASEAN đóng góp nhiều hơn vào việc duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng.
Việc bản dự thảo COC tại Hội nghị IAMM “lần đầu tiên” đến tay các ngoại trưởng ASEAN, là vấn đề hết sức có ý nghĩa. Điều đó cho thấy ASEAN tiếp tục chủ động thúc đẩy giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở Công ước Luật biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Tuyên bố 6 nguyên tắc về Biển Đông.
Cách đây 3 tháng, Tuyên bố 6 nguyên tắc về Biển Đông đã đề cập mục tiêu sớm đạt được COC. Bởi vậy, việc đưa ra bản dự thảo COC tại Hội nghị IAMM vừa qua cho thấy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông đang và sẽ là mối quan tâm hàng đầu của các nước thành viên ASEAN. Tuy nhiên, để hiện thực hóa ước mơ duy trì hoà bình, ổn định ở khu vực, rõ ràng mỗi thành viên phải tự ý thức được trách nhiệm của mình. Đó không chỉ là việc phải thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc cơ bản đã cùng cam kết và được quy định trong Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố EAS về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi và Hiến chương ASEAN mà các nước trong hiệp hội còn phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa, đoàn kết hơn nữa để phát huy mạnh mẽ vai trò trung tâm của ASEAN trong mọi nỗ lực thúc đẩy và kết nối.
Vậy nên, ASEAN cũng rất cần một cái “nắm tay” của Trung Quốc để cùng thực hiện mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và hợp tác. Qua đó, hiện thực hoá ước mơ duy trì một thế giới hoà bình, phát triển và thịnh vượng cho các thế hệ mai sau.
Minh Anh