Cần nhiều biện pháp đồng bộ chống hàng giả, hàng nhái

PV: Hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng có chứa hóa chất độc hại đang là vấn đề “nóng” của toàn xã hội, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Ông Phạm Ngọc Hùng:
Có thể nói không quá rằng, toàn xã hội, người dân từ thu nhập thấp đến thu nhập cao đang sống trong nỗi lo sợ do hàng ngày phải dùng các loại hàng giả, hàng nhái, thực phẩm bẩn, thực phẩm và sản phẩm tiêu dùng thiết yếu có hóa chất độc hại, nước ăn ô nhiễm hóa chất, không khí cũng ô nhiễm ở mức độ cao… Thậm chí người bệnh cũng lo sợ uống phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Đó là chưa nói, quá tải ở các bệnh viện. Tình trạng đó dẫn đến bệnh nan y ngày càng nhiều; hàng loạt các vụ ngộ độc thực phẩm, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, ảnh hưởng lâu dài đến giống nòi. Hiện nay, tâm lý của người dân đang hoang mang, lo sợ không biết nên ăn gì, dùng gì cho an toàn.

PV: Vậy đâu là nguyên nhân để xảy ra tình trạng này, thưa ông?

Ông Phạm Ngọc Hùng:

  • Theo tôi, có ba nguyên nhân chính sau: Về chính sách của Chính phủ, chưa có sự phân công cụ thể và chưa phân định được trách nhiệm cá nhân; còn quá nhiều lực lượng cùng tham gia chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”; “lắm sãi không ai quét chùa”, nhưng khi xảy ra sự việc thì bộ, ngành này đổ lỗi cho bộ, ngành kia, không ai chịu nhận lỗi và cũng không quy trách nhiệm được cho ai. Còn chế tài thì chưa đủ mạnh để răn đe; Về phía lực lượng trực tiếp tham gia chống hàng giả, hàng nhái thi việc kiểm tra giám sát để phòng chống còn chưa được quan tâm đúng mức, mới chỉ “chạy theo” giải quyết các vụ việc khi đã được các cơ quan báo chí phát hiện. Nghiêm trọng hơn, ngay trong lực lượng còn nhiều cán bộ làm ngơ, tiếp tay, dung túng cho việc buôn bán hàng giả, hàng nhái để trục lợi, gây ra tình trạng ngày càng trầm trọng hơn; Còn người dân đa số không phân biệt được hàng thật, hàng giả, hoặc có phát hiện được thì cũng làm ngơ. Cũng có nguyên nhân do ta chưa làm tốt chính sách và bảo vệ người tố cáo. Lại có những người biết là hàng giả, hàng nhái những vẫn mua dung, do tâm lý ham rẻ, hoặc thấy hình thức hàng giả đẹp hơn, bắt mắt hơn hàng thật mà vẫn mua dung, cũng là nguyên nhân gây ra việc sản xuất và buôn bán hàng nhái, hàng giả ngày càng phức tạp hơn.

PV: Trước thực tế trên, theo ông cần có những biện pháp nào để ngăn chặn và đẩy lùi nạn sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái.

Ông Phạm Ngọc Hùng:
Đối với cơ chế chính sách: Chính phủ cần có những chế tài đủ mạnh để ngăn chặn và xử lý nạn sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái, phải tăng mức hình phạt lên gấp 3, gấp 4 lần so với mức phạt hiện nay. Phải áp dụng biện pháp hình sự để truy tố những đối tượng này, đồng thời kiên quyết cấm nhập khẩu những loại hàng hóa không đảm bảo chất lượng, hàng hóa độc hại; phối hợp với chính phủ các nước để xác mình nguồn gốc hàng nhập khẩu để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái nhập vào thị trường trong nước. Xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng triệt để và quyết liệt hàng rào kỹ thuật trong thương mại quốc tế, thực thi quyền “tự vệ chính đáng” của chúng ta đã được tổ chức thương mại thế giới WTO cam kết mà chúng ta là một thành viên để ngăn chặn các loại hàng hóa này vào Việt Nam.
Đối với lực lượng trực tiếp quản lý thị trường chống hàng giả, hàng nhái, cần tăng cường năng lực và quyền hạn cho họ bằng cách giao cho các lực lượng thực thi đi làm trực tiếp quyền xử phạt cao hơn, trang bị cho họ thiết bị máy móc cho việc điều tra bắt giữ, giám định hàng hóa một cách nhanh chóng, chính xác, hiệu quả. Đồng thời tăng cường thanh tra giám sát để ngăn chặn và xử lý những cán bộ tha hóa, biến chất trong lực lượng thực thi, móc ngoặc, bao che, bảo kê cho bọn buôn bán trái phép. Đối với những đơn vị để xảy ra tình trạng trên thì người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với việc xảy ra trong đơn vị mình phụ trách. Song song với việc đó là phải giáo dục ý thức trách nhiệm và lương tâm của cán bộ trong công tác, có như vậy chúng ta mới có những lực lượng đủ mạnh, những cán bộ trong sạch, có ý thức trách nhiệm, có lương tâm thực thi nhiệm vụ.
Để người tiêu dùng nhận thức đúng và có thói quen lựa chọn hàng hóa khi mua hàng. Về mặt truyền thông, các cơ quan báo chí, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên tuyền về tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, cũng như kiến thức cho người dân về việc phân biệt hàng giả, hàng thật, thông tin về các doanh nghiệp sản xuất, buôn bán hàng giả để người dân có đủ kiến thức cần thiết khi mua bán hàng hóa trên thị trường. Đối với người dân, cần nghiên cứu kĩ thông tin trước khi mua hàng, kiên quyết không mua và tẩy chay hàng giả, hàng nhái… Phát hiện và thông báo cho các cơ quan chức năng khi phát hiện người sản xuất, buôn bán hàng nhái, hàng giả trên thị trường. Có ý thức khi mua hàng không ham rẻ, ham đẹp để làm cho hàng giả, hàng nhái có đất sống. Bên cạnh đó, nên xã hội hóa công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái, thành lập quỹ chống hàng giả, hàng nhái, kêu gọi sự đóng góp của toàn xã hội để có nguồn tài chính bổ xung trang thiết bị cho các lực lượng chức năng đi làm nhiệm vụ, công tác tuyên truyền, khen thưởng cho những tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác chống hàng giả, hàng nhái.

PV: Xin cảm ơn ông!
Bài và ảnh: Quốc Hưng