Cần nhanh chóng mở rộng các đối tượng của BHXH và BHYT
Năm 2014, mặc dù còn một số tồn tại yếu kém nhưng kết quả đạt được cơ bản là rất quan trọng: đã có 1,2 triệu lao động được tạo việc làm, khoảng 105 nghìn lao động được đưa đi làm việc tại nước ngoài, đạt hơn 110% so với kế hoạch đề ra, ước cả năm khoảng 1,6 triệu lao động có việc làm mới. Số người tham gia (BHXH) đạt hơn 11,5 triệu người, trong đó có khoảng 190 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện. Tỷ lệ tham (BHYT) đạt khoảng 72% dân số. Chương trình giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả; các bộ, ngành, địa phương quan tâm hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản và đầu tư phát triển hạ tầng ở những địa bàn đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo cả năm giảm khoảng 1,8-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%... Việc bảo đảm an sinh xã hội được thể hiện qua những con số tích cực, cùng với đó, việc một loạt các luật quan trọng được Quốc hội thông qua có hiệu như: Luật Việc làm, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, và Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2016, Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 1-7-2015... sẽ là những khung pháp lý quan trọng để tiếp tục thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Trong đó, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và Luật BHXH, với những giải pháp mạnh mẽ sẽ là hai luật quan trọng bảo đảm, mở rộng hệ thống an sinh xã hội cho người dân.
Qua giám sát của Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội trong năm qua, đang còn nhiều điều cần phải nhanh chóng thay đổi trong chính sách an sinh để đảm bảo cho cuộc sống của người dân hiện nay. Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng: đối với hai trụ cột ASXH quan trọng là BHYT và BHXH cần phải nhanh chóng mở rộng đối tượng. Mục tiêu BHYT năm 2015 đạt 75%, 2020 đạt 80%, như vậy còn khoảng 20% người dân khi ốm đau phải tự bỏ tiền túi. Với BHXH, hiện có hơn 50 triệu lao động nhưng chỉ hơn 10 triệu lao động tham gia BHXH. Như vậy, hàng chục triệu lao động phải đối mặt với việc không có lương hưu để đảm bảo cuộc sống về già khi không còn khả năng lao động, họ sẽ sống bằng gì? Hiện nay, mỗi năm nhà nước đang bỏ ra khoảng hơn 3 ngàn tỷ đồng để chi cho khoảng 1,4 triệu người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên không có thu nhập, chính sách này là chính sách bảo trợ xã hội hay còn gọi là hưu trí xã hội. Bởi vậy việc mở rộng đối tượng BHXH là rất cần thiết. Nếu không mở rộng thì trong tương lai Nhà nước phải sử dụng ngân sách để hỗ trợ cho nhóm lao động này. Vấn đề nâng cao chất lượng an sinh cũng là thách thức, với BHYT là chất lượng khám chữa bệnh và xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản, với bảo hiểm hưu trí là mức lương hưu và chính sách chăm sóc sức khỏe để đảm bảo cho cuộc sống khi về già.
Bên cạnh đó, vấn đề thủ tục hành chính cần phải cải cách mạnh mẽ hơn. Đến 2018 bắt đầu có thẻ điện tử thay cho sổ bảo hiểm hiện nay, người lao động có thể sử dụng thẻ này để theo dõi sự tham gia bảo hiểm của mình bất kỳ lúc nào, đặc biệt là lương hưu, theo suốt cả cuộc đời của người lao động. Quá trình thay đổi này sẽ mang lại cơ hội tiếp cận tích cực hơn cho mọi người dân đối với chính sách ASXH xã hội, đảm bảo quyền được an sinh của người dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp.
Kim Loan