Cần hiểu đúng bệnh giun đũa chó, mèo ở người
Gần đây do tình hình bệnh lây nhiễm trứng giun đũa chó, mèo ở người tại Việt Nam rất cao, nguyên nhân là do việc nuôi chó, mèo trong nhà phổ biến. Để hiểu rõ hơn về loại bệnh này, cách phòng bệnh và điều trị sao cho đúng, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hiền - nguyên Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa chia sẻ về những nội dung hữu ích dưới đây:
Tác nhân gây bệnh
Trường hợp bệnh giun đũa chó, mèo ở người được Wilder mô tả lần đầu vào năm 1950, khi phát hiện ấu trùng của giun tròn trong u hạt võng mạc (tên khoa học retinal granuloma). Sau đó Beaver (1952) lần đầu tiên dùng từ “ấu trùng di chuyển nội tạng” để báo cáo một loạt ca bệnh ở trẻ em có bạch cầu ái toan tăng cao trong máu đi kèm với bệnh nặng và kéo dài ở nhiều nội tạng. Khi làm sinh thiết phát hiện ấu trùng của Toxocara canis hay Toxocara cati... Trong nhiều năm, bệnh giun đũa chó, mèo ở người được xem là bệnh ít gặp, nhưng với những tiến bộ trong huyết thanh chẩn đoán những năm gần đây, người ta thấy tỷ lệ người có phản ứng dương tính với kháng nguyên ngoại tiết của Toxocara sp. không phải là thấp, kể cả ở trẻ em lẫn người lớn và đây là một bệnh giun sán phổ biến ở các nước đang phát triển.
Tác nhân gây bệnh là Toxocara canis hay Toxocara cati, một loài giun tròn thường được gọi là giun đũa của chó, mèo. Các giun này đẻ trứng trong ruột, trứng theo phân ra ngoài môi trường và sau 1-2 tuần các trứng này sẽ hoá phôi (ấu trùng). Đây là giai đoạn có thể gây bệnh cho người nếu nuốt phải trứng đã hóa phôi. Trẻ em là đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất do thói quen đùa nghịch với đất cát, mà đất cát lại là nơi phát tán trứng giun do đặc tính phóng uế bừa bãi của chó, mèo. Sau khi nuốt trứng đã hóa phôi vào cơ thể, một số các ấu trùng này có thể bị đóng kén tại những nơi mà chúng đến, làm nên bệnh giun đũa chó, mèo ở người.
Những triệu chứng và cách phòng bệnh
Bệnh giun đũa chó, mèo tại Việt Nam chưa được nghiên cứu nhiều, một phần vì các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu, một phần vì việc xét nghiệm phân không áp dụng được trong bệnh này (vì giun không phát triển được đến giai đoạn trưởng thành nên không có trứng trong ruột của người). Ngoài ra xét nghiệm Toxocara (+) chỉ cho thấy người có kháng thể (+) đã từng nhiễm ấu trùng sán chó, nhưng không chắc là hiện tại có nhiễm…
Cơ hội lây nhiễm trứng giun đũa chó, mèo vào người tại Việt Nam là rất cao, do việc nuôi chó, mèo trong nhà phổ biến. Ngoài ra, một khảo sát trên 90 mẫu rau sống bán tại T.P Hồ Chí Minh, kết quả số mẫu rau nhiễm trứng giun đũa chó, mèo chiếm đến 67,7% .
Đau đầu, động kinh, cử động bất thường, rối loạn hành vi, yếu liệt; ngứa da, dị ứng, nổi mề đay, nổi cục u ở da, sung phù một vùng da; ho kéo dài, điều trị theo phác đồ thông thường không thuyên giảm, thường kèm công thức máu có bạch cầu ái toan tăng cao; rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hay đau bụng không rõ nguyên nhân, kèm công thức máu thường có bạch cầu ái toan tăng cao.
Ở chó, mèo: Nhìn chung albendazole được nhiều tác giả khuyên dùng do tính an toàn, có sẵn và ít phản ứng bất lợi.
Ở người: Các ấu trùng từ trứng giun sẽ không phát triển được đến giai đoạn trưởng thành và sẽ chu du trong cơ thể người trong vài tháng đến nhiều năm, sau đó bị phản ứng viêm của cơ thể tiêu diệt hoặc khiến chúng ngưng phát triển. Nó sẽ tạo ra kháng thể ở người. Như vậy, sự hiện diện của kháng thể chống Toxocara không nói lên tình trạng đang mắc hay đã mắc bệnh vì các kháng thể chống Toxocara có thể tồn tại trong cơ thể người khá lâu.
Cách phòng bệnh: Hằng tuần, các gia chủ dọn dẹp sạch sẽ nơi chó, mèo nằm. Phân chó, mèo phải được chôn lấp hay bỏ vào túi và vứt bỏ vào thùng rác. Không cho trẻ chơi đùa nơi có chó, mèo thải phân. Rửa tay với xà phòng, sát khuẩn sau khi chơi đùa với chó, mèo, nghịch đất cát và trước khi ăn uống. Đặc biệt phải luôn ăn chín, uống nước đun sôi để nguội. Định kỳ tây giun cho chó, mèo; khi có dấu hiệu bệnh, cần đến ngày các cơ sở y tế để chẩn đoán, tư vấn, chữa trị kịp thời.
Công Thi