Cần giải pháp hữu hiệu chống việc trốn, nợ bảo hiểm xã hội
Tình trạng lạm dụng để trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chưa được kiểm soát có hiệu quả, là đánh giá của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tại báo cáo thẩm tra tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm qua. Chính phủ cho biết: tình trạng trốn đóng, nợ đọng tiền BHXH còn diễn ra phổ biến ở tất cả các tỉnh, thành phố. Số nợ BHXH là 5.578 tỷ đồng, bằng 4,93% tổng số phải thu, giảm 10,8% so với năm trước, tương ứng với số nợ giảm là 678 tỷ đồng. Doanh nghiệp (DN) có vốn nước ngoài và tổ chức nước ngoài có số nợ nhiều nhất.
Theo quy định, DN chậm đóng BHXH từ 30 ngày trở lên sẽ phải trả lãi bằng với lãi suất đầu tư của BHXH VN, hiện là 0,988%/tháng, tương ứng khoảng 11,8%/năm. So với vay ngân hàng, thì mức lãi này vẫn còn “dễ chịu”, chính vì vậy, nhiều DN cứ ỳ ra, vì chậm đóng BHXH sẽ có lợi hơn đi vay. Một thực tế còn cho thấy “Việc chiếm dụng quỹ BHXH dễ hơn nhiều so với việc làm các thủ tục để vay ngân hàng (không cần giấy tờ, không cần thế chấp, không thẩm định...), nên DN tận dụng nguồn này để sản xuất, kinh doanh!”.
Còn kiện DN trốn đóng BHXH được xem như là giải pháp chữa cháy, thì cũng chẳng mấy hiệu quả. BHXH TP.Cần Thơ cho biết: đã kiện 29 DN trốn đóng BHXH 34,54 tỷ đồng, tuy nhiên, số tiền thu hồi được chỉ 5,715 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2013, BHXH tỉnh Hải Dương đã khởi kiện 5 DN trốn đóng trên 19,2 tỷ đồng. May mắn, việc khởi kiện phần nào có tác dụng, trong thời gian tòa án đang thụ lý, cả 5 DN đã tự giác tạm nộp gần 9 tỷ đồng.
Còn BHXH TP. Hà Nội, từ năm 2010 đến nay, đã khởi kiện 152 DN trốn đóng hơn 187 tỷ đồng. Tòa đã xét xử 53 vụ, thu hồi được gần 43,2 tỷ đồng, đạt 23,08%. Kiện đã vất vả, nhưng thi hành án còn khốn khổ hơn. Nhiều DN trông thì có tài sản, nhưng thực tế đã cầm cố, thế chấp ngân hàng. Một số DN lại “chày bửa” bằng cách yêu cầu cơ quan BHXH lấy sản phẩm của DN để cấn trừ”.
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nhận được nhiều ý kiến của CNVCLĐ và đoàn viên CĐ bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và những kiến nghị với Đảng, Quốc hội và Chính phủ, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐTBXH, BHXH VN sớm có các giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tối đa tình trạng trốn đóng và nợ đọng BHXH của các DN nhằm đảm bảo quyền lợi về trước mắt và lâu dài của người lao động (NLĐ) và Quỹ BHXH; đồng thời nghiên cứu ban hành cơ chế đảm bảo quyền lợi của NLĐ khi họ đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng BHXH nhưng bị người sử dụng lao động chiếm dụng không đóng BHXH.
Kiến nghị đầu tiên của cơ quan thẩm tra đối với Quốc hội là tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, xem xét bố trí ngân sách để sớm triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ tham gia BHXH tự nguyện, đặc biệt là nông dân, lao động phi chính thức.
Tiếp theo, Ủy ban thẩm tra cũng kiến nghị xem xét bổ sung tội gian lận, trốn đóng, tội chiếm dụng tiền BHXH vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi), nội dung tố tụng lao động vào Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi).
Đây cũng là nội dung đã được tiếp thu tại dự thảo mới của Bộ luật Hình sự (sửa đổi) với hành vi gian lận BHXH; gian lận BHYT; trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ đã được tội phạm hóa.
Dương Sơn