Cần giải pháp hiệu quả để tăng trưởng sản xuất và tiêu dùng (02/04/2009)

   ***Thị trường có sức mua thấ***p 

Trong tháng 1 và tháng 2 năm 2009, giá tiêu dùng tăng nhẹ nhưng trong tháng 3 này lại giảm trở lại với lý do chính là sức mua giảm xuống do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu. Trong phiên trả lời chất vấn trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Võ Hồng Phúc cho biết, mức tăng trưởng của chúng ta trong quý I-2009 đạt 3,1%. Con số đó càng có ý nghĩa hơn khi Việt Nam được xếp vào số 12 quốc gia có mức tăng trưởng dương trong số 170 quốc gia, vùng lãnh thổ được khảo sát ở thời điểm này. Đây là một tín hiệu khả quan trong tình trạng chung của nền kinh tế toàn cầu hiện nay, mặc dù mức tăng trưởng này chưa bằng 42% của cùng kỳ 2008 và thấp hơn cùng kỳ năm 2007. Trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng chậm lại như hiện nay, nó sẽ làm cho tốc độ tăng thu nhập của người dân giảm nhanh hơn và dẫn đến mức tiêu thụ hàng hoá yếu.

***Tăng giá điện trung hoà xu hướng giảm giá ***

Thống kê giá tiêu dùng 20 năm trở lại đây thì chỉ có 8 lần giá tiêu dùng tăng trong vào tháng 3. Hiện tượng phổ biến là sau đợt tết, giá tiêu dùng thường có xu hướng giảm. Nhưng phải nhận định rằng, lần giảm giá này là bất bình thường vì đồng thời với việc tăng giá điện, các nhà quản lý đã tính rằng, nếu đơn thuần chỉ tính những tác động trực tiếp, giá tiêu dùng sẽ tăng 0,25 – 0,3%, còn nếu tính cả đến những tác động gián tiếp, thì con số này sẽ cao hơn nhiều. Việc quyết định tăng giá điện sẽ tác động đến thị trường và đã trung hòa xu hướng giảm giá sau đợt tiêu dùng hàng hóa quan trọng nhất của năm nay.

***Khắc phục vướng mắc, đẩy nhanh việc đưa vốn vay vào thị trường ***

Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo chi tiết về tình hình triển khai cơ chế hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức và cá nhân vay vốn để sản xuất kinh doanh trong các tháng 2 và 3-2009. Theo đó, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đến cuối tháng 3-2009 là gần 180.000 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay phân theo nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước và quỹ tín dụng nhân dân Trung ương là 119.608 tỷ đồng - chiếm 75,8%; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 32.192 tỷ đồng - chiếm 20,4%; nhóm ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 5.982 tỷ đồng - chiếm 3,8%. Mặc dù một lượng vốn lớn được bơm vào thị trường sản xuất và tiêu dùng nhưng giá tiêu dùng trong tháng 3 vẫn giảm. Như vậy có thể nhận định rằng, cần đẩy nhanh việc cho vay hỗ trợ lãi suất hơn nữa.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc, một số vướng mắc đã được nhận định rõ ràng, không chỉ dừng lại ở việc phân tích chung chung. Trước hết đó là những vấn đề liên quan đến thủ tục đầu tư, có rất nhiều vấn đề cần phải xem xét, trong đó rõ nét nhất là việc giải ngân diễn ra rất chậm, kể cả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, vốn của doanh nghiệp và vốn đầu tư nước ngoài. Chỉ riêng khía cạnh này, nếu không được nhanh chóng khắc phục, thì khó có thể thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Bên cạnh đó, còn rất nhiều vấn đề liên quan đến sự thông thoáng của môi trường đầu tư; nguồn nhân lực; sự rườm rà trong các thủ tục hành chính, sự chồng chéo trong công tác quản lý... Trong 9 tháng còn lại của năm nay, nếu những vấn đề trên không được khẩn trương giải quyết thì mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2009 sẽ không dễ có được.

Bài và ảnh: Cao Thuý