Cần giải pháp đồng bộ “bảo vệ”: Quỹ “Bảo hiểm xã hội”
Những nguyên nhân dẫn tới nguy cơ “vỡ” Quỹ BHXH
6 năm nữa, Quỹ BHXH sẽ bắt đầu bị thâm hụt. 20 năm nữa, quỹ này sẽ cạn kiệt đến mức âm quỹ. Cơ chế đóng ít, hưởng nhiều, số người tham gia đóng ngày càng ít, trốn đóng, nợ đọng dồn ứ khiến cho quỹ an sinh xã hội lớn bằng 1/4 ngân sách này đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng trầm trọng. Đó là cảnh báo của Tổ chức Lao động quốc tế ILO năm 2012.
Tính đến nay, số lượng người hưởng lương hưu ngày càng tăng lên. Cụ thể như trong năm 1996 có 217 người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu thì năm 2007 chỉ còn 14 người và năm 2012 chỉ còn 9,3 người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu. Đồng thời, tuổi nghỉ hưu sớm dẫn đến thời gian đóng BHXH ngắn, thời gian hưởng lương hưu lại dài; số năm đóng BHXH bình quân đối với nam là 28 năm và nữ là 23 năm. Trong khi đó số năm trung bình còn sống thêm của nam sau tuổi 60 là 18,1 năm và nữ sau tuổi 55 là 24,5 năm. với cơ chế đóng BHXH như hiện nay, cộng thêm cả lãi đầu tư khoảng thì số thu chỉ đủ chi trả cho 8,5 năm. Nói cách khác, nếu những người già thọ tới 78-79 tuổi thì quỹ này sẽ bị thâm hụt hơn 10- 16,5 năm vì phải trả lương hưu mà không có nguồn thu.
Một nguyên nhân đáng báo động khác khiến cho Quỹ BHXH Việt Nam rơi vào cảnh thu chi chật vật. Đó là tình trạng trốn đóng, nợ đọng tiền bảo hiểm của các doanh nghiệp. Hiện cả nước có khoảng trên 500.000 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập, số doanh nghiệp đang hoạt động theo cơ quan thuế là gần 400.000 doanh nghiệp, nhưng số doanh nghiệp có tham gia BHXH chỉ có 150.000. Như vậy, có đến 50-75% doanh nghiệp đang trốn đóng bảo hiểm. Quỹ BHXH đang bị nợ tới 11.000 tỷ đồng, tính tới tháng 4-2014. Trong đó, có khoảng 7.400 tỷ đồng là nợ BHXH, 500 tỷ đồng là nợ bảo hiểm thất nghiệp và 3.100 tỷ đồng là nợ bảo hiểm y tế.
Cần khắc phục sớm những bất cập
Thời điểm hiện tại thì chưa vỡ quỹ, nhưng trong tương lai là hoàn toàn có thể xảy ra, nếu như cơ chế đóng-hưởng bất cập và tình trạng trốn, nợ bảo hiểm tiếp tục kéo dài. Những điều này khiến cho nhà nước phải tính lại tuổi hưu và cách hưởng BHXH cùng một số giải pháp để tránh vỡ quỹ. Một hệ thống giải pháp đồng bộ đang được tính toán để khắc phục sớm trong dự thảo luật BHXH sửa đổi như phải có chế tài buộc chủ doanh nghiệp tuân thủ nghiêm việc đóng bảo hiểm cho người lao động, điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu với thời gian đóng gần nhau hơn hay như điều chỉnh lại công thức tính hưởng lương hưu. Điều bắt buộc phải làm đó sẽ được Quốc hội xem xét trong kỳ họp này.
Mai Anh