BHXH Việt Nam cho biết, theo công thức được áp dụng từ năm 1995, thời gian đóng BHXH trung bình của Việt Nam đang là 25 năm, hưởng 13 năm và nghỉ hưu là 54 tuổi. Nay tuổi thọ tăng lên 73, vậy cần tới 19 năm hưởng lương thì rõ ràng đang mất cân đối 6 năm. Chính vì vậy hiện đang có đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Khi điều chỉnh, khoảng hụt sẽ chỉ còn khoảng 1,5-2 năm. Đặc biệt, khi chúng ta tham gia BHXH trong 15 năm thì hưởng tương ứng với mức 37% lương trung bình. Nhưng thực tế, chúng ta lại nâng lên tới mức lương 45% để bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu.
Theo lãnh đạo cơ quan BHXH, tổng mức chi trả lương hưu như hiện nay lớn hơn với tổng mức đóng; kết dư quỹ BHXH đang có dấu hiệu giảm dần. Nếu không nâng tuổi hưu thì đến năm 2037 mức thu, bao gồm cả kết dư quỹ, sẽ bằng mức chi. Tuy nhiên, Luật BHXH năm 2014 đã quy định: “Nhà nước bảo hộ quỹ BHXH và có biện pháp bảo toàn, tăng trưởng quỹ”, nếu quỹ BHXH có nguy cơ mất cân đối, Nhà nước có thể điều chỉnh việc mức đóng, thời gian đóng, tuổi nghỉ hưu. Bởi vậy, yên tâm là quỹ BHYT và BHXH đều do Nhà nước bảo hộ, quản lý và có giải pháp tăng trưởng quỹ.
Có hai lý do chính là tuổi thọ của người dân ngày càng tăng và sự mất cân đối giữa mức đóng và mức hưởng sẽ ảnh hưởng đến khả năng cân đối của quỹ BHXH trong dài hạn, nếu không kịp thời điều chỉnh chính sách cho phù hợp.
Để khắc phục tình trạng mất cân đối quỹ BHXH, BHYT trong tương lai, Nhà nước nhất định phải điều chỉnh chính sách phù hợp, tăng cường công tác quản lý quỹ BHXH hiệu quả và bảo đảm sự công bằng cho người tham gia BHYT. Đến lúc phải tính tới việc người đóng ít sẽ hưởng ít các dịch vụ và ngược lại; đồng thời, Nhà nước cần có thêm các chính sách khác như: Hưu trí bổ sung, để giúp người lao động khi hết tuổi làm việc có thêm khoản lương hưu kép. Một trong những giải pháp quan trọng hiện đang được nghiên cứu thực hiện là tăng tuổi nghỉ hưu. Nhưng tăng tuổi nghỉ hưu theo hướng nào là vấn đề cần quan tâm. Qua kinh nghiệm của các nước phát triển như: Mỹ, Đức, Ý, Tây Ban Nha và các nước trong khu vực như Lào, Campuchia đều cho thấy, khi tuổi thọ bình quân tăng, họ đều có chính sách điều chỉnh tuổi về hưu theo hướng tăng lên tương ứng, nhằm bảo đảm giữ vững ổn định quỹ hưu trí. Vì vậy, ở Việt Nam tuổi thọ bình quân tăng cho nên việc điều chỉnh tăng tuổi về hưu là phù hợp. Trước mắt có thể thực hiện đối với một số nhóm đối tượng, sau đó mở rộng ra toàn bộ lực lượng lao động, theo hướng bảo đảm bình đẳng giới, phù hợp với đặc thù nghề nghiệp, đặc điểm tâm sinh lý, điều kiện lao động, tận dụng nguồn lao động chất lượng cao nhưng cũng phải tính đến việc bố trí việc làm cho lao động trẻ.
Để đảm bảo việc đóng BHXH không còn nợ đọng tồn tại, ảnh hưởng tới kết dư của quỹ, BHXH Việt Nam đang triển khai việc trả sổ BHXH do doanh nghiệp đang quản lý sang cho người lao động trực tiếp quản lý; người lao động sẽ biết được số tiền BHXH của họ có được doanh nghiệp đóng quỹ BHXH hay không. Đây là biện pháp để công khai, minh bạch quá trình đóng BHXH, giúp người lao động giám sát, bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Tới đây, khi ngành BHXH hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin thì người lao động sẽ kiểm soát được quỹ BHXH của mình, kể cả tiền gốc đóng, lợi nhuận tăng trưởng do đầu tư quỹ tạo ra. Đây cũng là một biện pháp nhằm giảm sự mất cân đối của quỹ.
Dương Sơn