Vấn đề lao động và việc làm nói chung, việc làm của thanh niên nói riêng, nhất là thanh niên nông thôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Số liệu điều tra về lao động và việc làm của thanh niên nông thôn cho thấy cả nước hiện có trên 22,5 triệu thanh niên, chiếm 26% dân số, 33,7% lực lượng lao động xã hội thì trong đó 75% là thanh niên nông thôn. Thống kê tại 49 tỉnh, TP trong cả nước từ năm 2004 đến 2013 đã thu hồi 750.000 héc-ta đất để thực hiện 29.000 dự án đầu tư, trong đó 80% là đất nông nghiệp, 50% diện tích trong số đó là đất thuộc vùng kinh tế trọng điểm, đất đai màu mỡ trồng hai vụ lúa một năm. Hệ lụy là thanh niên nông thôn vẫn không có việc làm hoặc có việc làm nhưng thu nhập không ổn định bởi công tác đào tạo nghề chưa được đáp ứng đủ để thanh niên có đất bị thu hồi chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp. Một bộ phận lớn thanh niên nông thôn không có khả năng tìm kiếm việc làm mới, không chuyển đổi được nghề nên đời sống khó khăn, làm nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực cho xã hội. Số liệu điều tra xã hội học về lao động và việc làm với đối tượng là lao động thanh niên ở nông thôn thì số người không được đào tạo nghề chiếm 68,4%, số người không có đất để sản xuất-kinh doanh là 53,1%, loại khó khăn tiếp cận các nguồn vốn là 22,3%, thiếu kinh nghiệm sản xuất là 26,5%, thiếu thông tin về thị trường lao động là 23,3%.
Có một thực tế là các doanh nghiệp chưa coi thanh niên nông thôn là lực lượng lao động chủ chốt nên chưa nhiệt tình và tin cậy để hỗ trợ tài chính cho các hoạt động sản xuất-kinh doanh. Số thanh niên được vay vốn để phát triển sản xuất chưa nhiều. Việc phổ biến nghề mới, đào tạo nghề, tư vấn nghề và hỗ trợ các kỹ năng nghề cũng như hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào khu vực nông thôn còn rất hạn chế.
Để giải quyết những thực trạng đáng lo ngại này, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách thiết thực nhằm phát huy tối đa nội lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ, đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên những giải pháp cần thiết cần triển khai mạnh là: Đẩy mạnh dạy nghề và tạo việc làm, hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho các đối tượng chính sách, người nghèo, lao động nông thôn và vùng đô thị hóa, thực hiện thật tốt Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015”, trong đó tập trung vào thanh niên nông thôn và dân tộc miền núi. Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện chính sách và tập trung đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, giúp họ nâng cao kiến thức khoa học-kỹ thuật, kỹ năng quản lý, kiến thức thị trường để lựa chọn nghề phù hợp. Các địa phương ở khu vực nông thôn cần xây dựng chương trình việc làm trên cơ sở phát triển sản xuất, các chương trình kinh tế-xã hội trên địa bàn. Ở từng địa phương cần nỗ lực và sáng tạo tìm kiếm những mô hình đào tạo nghề phù hợp để tránh tốn kém, lãng phí. Đặc biệt là hệ thống an sinh xã hội cần tập trung vào các chính sách đối với lao động nông thôn bị mất việc làm, thiếu việc làm do có đất bị thu hồi hoặc gặp rủi ro bởi những bất cập khi xây dựng các khu công nghiệp và đô thị hóa đối với lao động dôi dư và các chính sách về bảo hiểm xã hội, đặc biệt là bảo hiểm thất nghiệp.
Kim Loan