Cần có sự kiểm soát chặt chẽ trong liên kết giảng dạy tại cơ sở giáo dục

Cần có sự kiểm soát chặt chẽ hình ảnh _ đường 9 đoạn_ xuất hiện trong một số giáo trình giảng dạy tại cơ sở giáo dục... (ảnh chụp lại từ internet)

Không thể phủ nhận những lợi ích từ việc học liên kết trong giảng dạy tại một số cơ sở giáo dục hiện nay, tuy nhiên, bất cứ một chương trình học tập nào đều phải có giáo trình, giáo án và giám sát chặt chẽ mới thực sự phát huy tối đa tính ưu việt từ việc dạy và học liên kết tại các cơ sở giáo dục.


Sự cố đáng tiếc

Mới đây, ngày 19-9-2024, hình ảnh một lớp học ở Trường trung học phổ thông (THPT) N.G.T, quận Long Biên, T.P Hà Nội trình chiếu hình ảnh bản đồ Trung Quốc kèm với “đường 9 đoạn” trong 1 tiết học tiếng Trung, được lan tỏa trên nền tảng mạng xã hội Facebook đã và đang gây ra nhiều ý kiến quan ngại về hoạt động liên kết đào tạo trong giáo dục.

Cụ thể, hình ảnh ghi nhận được cho thấy lớp này đang trong giờ giảng dạy ngoại ngữ 2 (tiếng Trung Quốc) đề cập đến phần học cách gọi tên các nước. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý nằm ở tấm hình bản đồ Trung Quốc đi kèm với “đường 9 đoạn” xuất hiện trong chương trình giảng dạy.

Về sự cố này, trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Minh Châu - Phó hiệu trưởng nhà trường xác nhận, sự việc xảy ra tại nhà trường, trong một tiết học ngoại ngữ 2 tiếng Trung.

Theo bà Châu, môn ngoại ngữ 2 là môn học thêm, được liên kết với một trung tâm đào tạo ngoại ngữ bên ngoài, không phải giáo viên của nhà trường giảng dạy. “Sự cố đáng tiếc xảy ra là do hôm đó, cô giáo dạy chính bị ốm, nên Trung tâm có cử một cô giáo khác dạy thay. Do cô giáo này còn trẻ, thiếu kinh nghiệm trong giáo dục nên đã để xảy ra sự việc đáng tiếc trên, đồng thời, phía nhà trường đã báo cáo cơ quan chức năng ngay sau sự cố xảy ra...” - bà Châu thông tin.

Về việc liên kết với trung tâm đào tạo ngoại ngữ bên ngoài, bà Châu khẳng định: “Nhà trường có đề án và được Sở GDĐT Hà Nội phê duyệt”.

Được biết, sau sự cố xảy ra tại Trường THPT N.G.T, ngày 23-9, Phó chủ tịch UBND T.P Hà Nội - Vũ Thu Hà đã có Văn bản giao Sở GDĐT chủ trì, phối hợp với Công an thành phố và các đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ, đồng thời kiểm điểm, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có)…

Cần có sự kiểm duyệt chặt chẽ trong liên kết giảng dạy

Trên thực tế, thời gian qua một số sản phẩm văn hóa, điện ảnh, giải trí…, thậm chí tài liệu giáo trình giảng dạy tại một số cơ sở giáo dục xuất hiện hình ảnh bản đồ thể hiện “đường 9 đoạn” không chính xác, đã được ghi nhận.

Ví như, vào năm 2019, hình ảnh “đường 9 đoạn” đã xuất hiện trong một cuốn sách giáo trình dạy tiếng Trung tại Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, do Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh phát hành, đã khiến cho nhà trường phải thu hồi và tiêu hủy 700 cuốn sách có chứa hình ảnh “đường 9 đoạn”.

Nhìn lại vụ việc xảy ra tại Đại học Kinh doanh và Công Nghệ, cho thấy đã bộc lộ lỗ hổng lớn trong khâu kiểm duyệt, khi các giảng viên Khoa Trung - Nhật của trường này thiếu thận trọng trong việc xem xét, lựa chọn đưa hình ảnh minh họa bản đồ Trung Quốc có “đường 9 đoạn”, mà đơn vị này còn sử dụng giáo trình chưa được Hội đồng thẩm định của Khoa phê duyệt.

Đáng chú ý, trả lời báo giới năm 2019, ông Vũ Văn Hóa - Phó hiệu trưởng trường này cho rằng “cần có cơ quan kiểm soát sách giáo khoa, giáo trình mua từ nước ngoài và cái này phải thuộc về nhà nước chứ không phải của nhà trường”.

Nhìn lại vụ việc xảy ra tại trường THPT N.G.T, một vấn đề nữa cũng cần được lưu tâm, đó là việc liên kết với các trung tâm ngoại ngữ bên ngoài vào giảng dạy tại cơ sở giáo dục nhà nước, cho thấy hầu như các trung tâm dạy ngoại ngữ được sử dụng miễn phí cơ sở vật chất của Nhà trường mà không phải mất chi phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất (phòng học, lớp học). Nói là thế bởi theo bà Châu, mọi khoản thu phí học thêm ngoại ngữ 2, nhà trường chỉ thực hiện thu hộ trung tâm và số tiền học thêm thu được đều nộp hết về cho trung tâm, nhà trường không được thụ hưởng 1 đồng nào về khoản phí này!

Dẫn chứng cho 1 khoản thu học thêm, bà Châu cho biết mức thu của 1 năm học đối với 1 học sinh đăng ký học thêm ngoại ngữ tiếng anh cho khóa học IELTS tại nhà trường tương đương gần 22 triệu đồng/năm học (bình quân khoảng hơn 2,1 triệu đồng/tháng khi học sinh đăng ký tham gia học thêm), nhưng tất cả đều nộp trả hết về cho trung tâm ngoại ngữ.

Vì vậy, thiết nghĩ, việc liên kết với các trung tâm bên ngoài để tổ chức dạy thêm ngoại ngữ 2 tại các cơ sở giáo dục, cũng cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ về nội dung giảng dạy, minh bạch hơn nữa về tài chính để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra…

Nguyên tắc dạy thêm, học thêm
Tại Điều 3 Quy định ban hành kèm Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT thì nguyên tắc dạy thêm, học thêm như sau:
- Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học.
- Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá.
- Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.
- Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh.
- Tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm phải chịu trách nhiệm về các nội dung đăng ký và xin phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.

Bài, ảnh: Doanh Chính