Cần có chính sách chiến lược đảm bảo quyền lợi diêm dân

Trước tình hình này, để tháo gỡ những khó khăn cho diêm dân, mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ NNPTNT chỉ đạo Tổng công ty Lương thực miền Bắc thực hiện nhiệm vụ mua tạm trữ muối niên vụ 2016 của diêm dân, bảo đảm việc mua tạm trữ có tính đến sản lượng muối của từng địa phương và ưu tiên địa phương có muối tồn đọng lớn. Đồng thời, việc mua tạm trữ muối thực hiện theo cơ chế thị trường và bảo đảm mục tiêu bình ổn giá muối trên thị trường, giúp cho người sản xuất tiêu thụ muối với giá có lợi. Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất hóa chất ưu tiên sử dụng muối sản xuất trong nước nếu đáp ứng được yêu cầu chất lượng cho sản xuất hóa chất và giá cả không quá cao so với muối nhập khẩu. Tuy nhiên đây là giải pháp tình thế, chưa thể giải quyết căn cơ tình trạng được mùa rớt giá của diêm dân.
Sản xuất muối ở nước ta hiện nay chủ yếu vẫn theo phương pháp thủ công, kỹ thuật lạc hậu, công tác nghiên cứu khoa học để ứng dụng vào sản xuất muối chưa được quan tâm đúng mức. Các vùng sản xuất muối trên toàn quốc đều hình thành từ lâu dựa trên yếu tố thuận lợi về thời tiết, vị trí, diện tích... và đa phần mang tính tự phát. Do đó, chất lượng muối chưa cao, dẫn đến nguồn cung trong nước thì dư thừa mà nhiều doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu muối từ nước ngoài.
Do vậy, về lâu dài, ngành muối cần có chính sách mang tính chiến lược cho phát triển ổn định và bền vững, kịp thời thay đổi phương thức sản xuất hiện đại thông qua đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật thay vì sản xuất muối thủ công như hiện nay. Có vậy mới đáp ứng nhu cầu tiêu thụ muối từ nay đến năm 2020 vào khoảng hơn 2 triệu tấn/năm, như Bộ NNPTNT đã dự báo.
Chí Đức