Cần cơ chế phù hợp để gọi vốn FDI vào nông nghiệp (14/05/2009)

Các đoàn xúc tiến kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) dự kiến sẽ tới Nga, Trung Quốc, Nhật Bản… vào các tháng tới. Danh mục dự án hướng vào lĩnh vực chế biến nông sản, công nghệ sinh học, cùng các cơ chế ưu đãi hấp dẫn đang được xây dựng để phục vụ các hoạt động xúc tiến.

Cơ chế ưu đãi và danh mục trên đang được Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng Chính phủ trong Chương trình thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2009-2015. Theo đó, mục tiêu đầu tư và cơ chế hỗ trợ sẽ tập trung vào các doanh nghiệp đầu tư vào các chương trình trọng điểm, như phát triển công nghệ sinh học để tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường; áp dụng công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch, nâng cao giá trị, an toàn vệ sinh thực phẩm của sản phẩm; tạo ra thị trường tiêu thụ nông sản ổn định, đặc biệt là xuất khẩu...

Thực tế là chưa có một chính sách cụ thể về thu hút và quy hoạch sử dụng FDI của ngành nông nghiệp. Hơn nữa, dù đã có quy hoạch cụ thể rồi, thì cũng rất khó để thu hút vốn đầu tư vào ngành này. Một con số thống kê cho thấy, hiện tổng số lao động ngành nông nghiệp cả nước là 46,7 triệu người, chiếm 74,6% tổng lực lượng lao động toàn xã hội. Nhưng có tới 83% trong số 46,7 triệu người này chưa hề qua bất kỳ một lớp tập huấn, đào tạo kỹ thuật nông nghiệp nào.

Hiện cả nước có 976 dự án FDI vào ngành nông nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 4,6 tỷ USD. Nhưng có tới 70% số dự án này tập trung tại khu vực các tỉnh phía Nam. Thời gian gần đây, lượng vốn đầu tư vào nông nghiệp có xu hướng giảm... Tất cả những điều ấy cho thấy, ngành nông nghiệp nông thôn đang bế tắc vì định hướng phát triển không hiệu quả. Thực trạng "bản đồ" FDI trong ngành nông nghiệp khá lỗ chỗ. Khu vực trồng trọt và chế biến nông sản chiếm 37% vốn đăng ký và 51% vốn thực hiện; khu vực trồng rừng, chế biến lâm sản chiếm 35% vốn đăng ký và 17% vốn thực hiện... Trong khi đó, khu vực chăn nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi và thức ăn gia súc, vốn được đánh giá là thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam, chỉ dành được khoảng 21% vốn đăng ký và 23% vốn thực hiện... Các dự án đầu tư vào khoa học công nghệ cao chưa có, quy mô các dự án chủ yếu là nhỏ.

Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để khớp được những cơ chế với nhu cầu của nhà đầu tư bởi trên thực tế, với cơ chế ưu đãi đầu tư hiện hành, lĩnh vực nông nghiệp không phải là cơ hội hấp dẫn các nhà đầu tư "ngoại". Nhìn vào con số dự án FDI nêu ở trên, có thể thấy, những ưu đãi dành cho các dự án vào địa bàn khó khăn, vùng xa, vùng sâu chưa phát huy được hiệu quả. Ngay cả vùng đồng bằng sông Hồng với khá nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp, cũng không được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Bình Dương, địa phương đứng đầu về vốn và số dự án trong nông nghiệp, cũng chỉ thu hút được trên 1,1 tỷ USD. Vốn FDI đầu tư mới vào nông nghiệp đang có xu hướng giảm.

Tất nhiên, cũng không thể không nhắc tới hạn chế của hoạt động xúc tiến đầu tư khiến việc kết nối đồng bộ giữa các địa phương chưa tốt, các danh mục kêu gọi đầu tư cũng chưa hoàn thiện. Thế nên, việc Bộ NN-PTNT nỗ lực xây dựng danh mục dự án gọi đầu tư, cơ chế ưu đãi và Chương trình thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2009 - 2015 để trình Chính phủ, cũng như việc tổ chức các đoàn công tác mời gọi đầu tư vào ngành này... có thể xem như hy vọng lớn với nông nghiệp nước nhà.

Cao Thuý