Cần chính sách đồng bộ xây dựng cánh đồng lớn
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT tại Hội nghị Sơ kết thí điểm triển khai liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo vụ hè thu 2014 và kế hoạch thực hiện vụ đông xuân 2014-2015 (tổ chức tại Long An ngày 8.9), vụ hè thu 2014 ở ĐBSCL đã có tổng cộng 101 doanh nghiệp (DN) tham gia ký hợp đồng sản xuất và bao tiêu lúa gạo cho nông dân với tổng diện tích là 77.420ha. Tuy nhiên diện tích thực hiện thành công hợp đồng (DN đã thu mua lúa của nông dân) chỉ được 42.605ha, đạt 55%. Bộ NNPTNT cho rằng trong tình hình xuất khẩu khó khăn như hiện nay, việc đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ giữa nông dân và DN trong cây lúa hay những cây, con khác sẽ giúp những nông hộ nhỏ lẻ, địa phương và DN nhận thức được sức mạnh tập thể, ý thức được trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm chung của cộng đồng. Từ đó góp phần giữ gìn uy tín thương hiệu và không ngừng cải tiến trong sản xuất để giảm giá thành, nâng cao giá trị sản phẩm nhằm đạt hiệu quả cao trong sản xuất để có thể cạnh tranh với các nước, vươn ra thị trường thế giới.
Về phía nông dân cũng có được nhiều lợi ích khi tham gia cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết. Ví như, chi phí sản xuất khi tham gia cánh đồng lớn hay cánh đồng liên kết giảm hơn từ 2,5-3 triệu đồng/ha so với việc gia đình tự làm. Do nông dân được DN đầu tư giống lúa tốt, năng suất cao; cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với giá gốc; việc sử dụng cơ giới hóa trong cải tạo đất hay thu hoạch cũng thuận lợi và giá rẻ hơn, giảm được thất thoát sau thu hoạch. Chưa kể là giá lúa DN thu mua luôn bằng hoặc cao hơn thị trường từ 100-250 đồng/kg. Chính vì thế nông dân khá hăng hái khi tham gia mô hình này.
Tuy nhiên về phía doanh nghiệp thì không được phấn khởi như thế. Thực tế là đối với vấn đề hỗ trợ đầu vào cho sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn, ngân hàng thương mại "ngại" cho DN vay để DN mua lúa và phân đạm cung cấp cho bà con nông dân vì người nông dân có thể phá hợp đồng để bán lúa với giá cao hơn cho thương lái hoặc người nông dân bị mất mùa thì ngân hàng cũng không có khả năng thu hồi tiền từ DN do không có tài sản thế chấp. Còn thêm một khó khăn nữa là khi mô hình CĐML được thực hiện đại trà, trên diện tích lớn thì lo ngại lớn nhất là năng lực của các doanh nghiệp không đáp ứng được. Hiện có nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực trong khâu vận chuyển, phơi sấy, kho trữ… nên khi nông dân thu hoạch đồng loạt dẫn đến dồn ứ; doanh nghiệp không tiêu thụ hết, “bẻ kèo”. Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp cần tập trung xây dựng đủ kho chứa, nhà máy sấy; phương tiện để đảm bảo thực hiện hợp đồng.
Mặc dù đã có Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25.10.2013 về các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản, xây dựng CĐL nhưng theo các địa phương, DN phản ánh cho đến giờ các chính sách hỗ trợ này vẫn chưa đến được địa phương, DN và nông dân tham gia CĐL. Quyết định 62 có quy định hỗ trợ cho nông dân tham gia CĐL 30% tiền mua giống xác nhận và hỗ trợ HTX, tổ hợp tác 50% chi phí thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, thuê máy...Rồi hỗ trợ cho DN xây kho, tăng năng lực sấy, hạ tầng làm CĐL. Tất cả nguồn kinh phí hỗ trợ này đều do trung ương rót xuống. Thế nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy tiền đâu? Bộ Tài chính vẫn chưa có thông tư hướng dẫn. Điều này làm cho địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy phát triển CĐL.
Những khó khăn trên rất cần những cơ chế, chính sách đồng bộ tháo gỡ từ phía các cơ quan chức năng để việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn đạt được hiệu quả như mong muốn.
Dương Sơn