Căn bệnh trầm kha của nước Mỹ
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, nước Mỹ đã chứng kiến tới 273 vụ xả súng, làm thương vong 11.698 người. Còn trong giai đoạn 2001-2014, có tới 440.095 người chết vì súng đạn trên lãnh thổ Mỹ, trong khi số người chết do các vụ khủng bố cũng trong khoảng năm đó chỉ là 3.412.
Tính trung bình, mỗi ngày ở nước Mỹ đều xảy ra một vụ xả súng hàng loạt. Tuy nhiên, vấn nạn bạo lực này lại thường bị nhắm mắt làm ngơ.
Hơn thế, nếu vụ xả súng được thực hiện bởi một người gốc Latin, sẽ nhanh chóng bị chuyển sang thành vấn đề nhập cư. Vụ xả súng được thực hiện bởi người da đen, sẽ được sử dụng bào chữa cho hành động bạo lực “quá mức cần thiết” của cảnh sát. Còn nếu kẻ xả súng hàng loạt là người Hồi giáo, chính quyền sẽ nhanh chóng đổ lỗi cho chủ nghĩa khủng bố!
Tuy nhiên, phần lớn các vụ xả súng ở nước Mỹ lại do người Mỹ da trắng thực hiện. Theo thống kê, trong số 62 vụ xả súng xảy ra trong khoảng thời gian 1982-2012 thì có tới 44 vụ do đàn ông da trắng thực hiện. Những kẻ máu lạnh này thường được mô tả là “những kẻ tấn công đơn độc” hay “khiếm khuyết về mặt tâm thần”.
Kết quả là, thay vì huy động các thể chế trong nước thực hiện các cuộc cải cách để giải quyết vấn nạn này, Chính phủ Mỹ vẫn kiên quyết bảo vệ Luật sửa đổi Thứ hai - trong đó quy định vũ khí là một phương tiện để bảo vệ an ninh quốc gia, và mọi người dân đều có quyền tự do vũ trang. Thậm chí, việc đàn ông da trắng sở hữu súng đạn còn được nhiều chính trị gia bảo thủ cho là sự thể hiện lòng yêu nước.
Theo kết quả thăm dò do hãng FoxNews tiến hành năm 2014, gần 7/10 số thành viên đảng Cộng hòa tin rằng sở hữu súng đạn là yêu nước. Quyền được sở hữu súng đạn được xem như một thứ văn hóa đã ăn sâu vào tâm lý của người dân Mỹ. Chính do đây mà căn bệnh trầm kha này rất khó chữa. Và các vụ xả súng không xảy ra mới là lạ!
Đăng Song