Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong năm 2015
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất cho rằng, trong hai tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra từ đầu năm và đã đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Ý kiến của các thành viên Chính phủ cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp; huy các nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kinh tế - xã hội. Về việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, các thành viên Chính phủ cho rằng thời gian qua hoạt động này đã có nhiều nỗ lực, song so với yêu cầu đặt ra, nhất là về thể chế luật pháp, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, thực thi công vụ vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc, gây tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân… Vì vậy, để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương phải coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục, tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, nhất là thủ tục liên quan đến các chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh; đề cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ công chức; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các ngành, lĩnh vực; đổi mới quy trình quản lý, sản xuất và dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm,…
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá 2 tháng đầu năm 2015, các cấp, các ngành đã nghiêm túc chấp hành các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, có các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ từ ngày đầu, tháng đầu của năm; đạt được kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. “Đây là những tín hiệu tích cực để chúng ta có thêm cơ sở nhằm phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra” - Thủ tướng phát biểu. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý một số vấn đề nổi lên như cần phân tích rõ tình hình, nguyên nhân và bản chất số doanh nghiệp ngừng hoạt động lớn; tình hình thu ngân sách từ dầu khí giảm; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh có bước tiến, nhưng so với yêu cầu còn chậm; số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông còn cao; tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp; vấn đề tổ chức và quản lý lễ hội còn nhiều bất cập .v.v.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô; nghiên cứu để sớm giảm tiếp lãi suất cho vay để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tập trung và cương quyết đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, bảo vệ sản xuất và thị trường trong nước. Tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu kinh tế, trong đó tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tập trung cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán; tiếp tục tái cơ cấu ngân hàng, nhất là những ngân hàng yếu kém, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các bộ, ngành tập trung chỉ đạo các nhiệm vụ trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, giảm nghèo. Tiếp tục quan tâm bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hội nhập quốc tế. Tiếp tục làm tốt công tác thông tin, truyền thông.
Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng đây là nhiệm vụ quan trọng, phải làm đồng bộ, trong đó tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, phấn đấu ngang bằng như các nước ASEAN 6, thậm chí là ASEAN 4. “Đất nước đã hội nhập sâu rộng, thực hiện cơ chế thị trường ngày càng đầy đủ, vấn đề môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia có ý nghĩa quyết định cho tăng trưởng bền vững, cho cạnh tranh hiệu quả” .
Hoàng Linh