Ông khẳng định với tôi rằng: Chỉ riêng thời tiết, khí hậu đã không thể phù hợp cho cây cao su phát triển được ở phía Bắc.
Cây cao su có đặc tính chảy mủ vào ban đêm, nên phải cạo mủ vào sáng sớm - khoảng từ 3 đến 5 giờ sáng, khi chưa có ánh nắng. Vậy mùa đông (mùa thu hoạch mủ cao su) ở phía Bắc nước ta rét cắt da, cắt thịt, công nhân có dậy từ 3 giờ sang đi cạo mủ được không? Chính vì bố mẹ phải dậy cạo mủ cao su sớm mà Binh đoàn 15 phải tổ chức các lớp mẫu giáo nhận trẻ từ nửa đêm.
Một đặc điểm nữa là, khi cây cao su phủ kín lá, dưới gốc của nó không trồng được các loại cây khác nữa, nên đất vườn cao su không còn tác dụng giữ nước. Với địa hình hiểm trở ở phía Bắc, bình độ giốc từ Bắc xuống Nam, mùa mưa bão, đất vườn cao su sẽ bị bào mòn, dẫn đến lũ ống, lũ quét...
Xét về khía cạnh an ninh, quốc phòng thì rừng cao su là rừng “hớ hênh” nhất. Thời chiến, bộ đội chúng tôi không bao giờ tổ chức đánh địch trong rừng cao su. Vì cây cao su không “che được bộ đội” cũng chẳng “vây được quân thù”!
Chuyện rõ như ban ngày thế rồi, mà các vị đã “trót” đưa cây cao su lên phía Bắc trồng không những không sửa sai, lại còn cứ giả vờ tranh cãi nhau. Tranh cãi trong cuộc họp, trên truyền thông… Kiểu “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”, chỉ tổ mệt người nghe!
Nói là “lừa dân” thì đúng là chưa thật chặt chẽ. Vì đó là chuyện phải đợi dài dài các cơ quan chức năng điều tra, kết luận. Nhưng rõ ràng là, nếu Chính phủ không kiên quyết dừng ngay việc trồng cây cao su ở phía Bắc thì sẽ “hại đơn, hại kép”.
Hậu quả cuối cùng rồi vẫn cứ đổ lên đầu dân thôi!
Huy Thiêm