Cái gọi là “tổ chức xã hội dân sự mạng”!
Những điều mà hai bản “Tuyên bố” trên nêu ra là hoàn toàn sai trái. Nói cho đúng hơn, đó là một hành vi bôi nhọ, vu cáo Đảng và Nhà nước ta. Vì theo ông ta đó là những tổ chức XHDS bất hợp pháp.
Vậy Tổ chức XHDS là gì? Tính pháp lý của của cái gọi là tổ chức XHDS mạng ra sao?
Theo quan niệm của C.Mác: XHDS là khái niệm hình thành gắn liền với quá trình xuất hiện và phát triển của Chủ nghĩa tư bản, “Thị trường, các tầng lớp xã hội, luật dân sự, các tổ chức phúc lợi xã hội là những gì tạo nên XHDS”.
Còn Trung tâm XHDS của Trường đại học kinh tế London (Anh) thì định nghĩa XHDS như sau: XHDS thường được hình thành dưới dạng các tổ chức như các hội từ thiện, các hiệp hội, các công đoàn, các nhóm tương trợ, các phong trào xã hội, các hiệp hội kinh doanh, các liên minh và các đoàn luật sư.
Trong các xã hội hiện đại ngày nay (kể cả nước ta) bên cạnh thiết chế nhà nước còn có tổ chức XHDS. Ví dụ như trong lĩnh vực kinh tế, thường là tổ chức ở các doanh nghiệp-lấy lợi nhuận là mục đích cho hoạt động. Hay như Tổ chức XHDS phi chính phủ (Non-governmental organizations-NGOs)…
Ở các nước tư bản chủ nghĩa, tổ chức XHDS ra đời sau các cuộc cách mạng dân chủ tư sản. Còn ở nước ta, XHDS ra đời trước khi có Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Nhà nước CHXHCN Việt Nam) và đều do Đảng cộng sản Việt Nam sáng lập. Chẳng hạn Hội Phản đế đồng minh (thành lập ngày 18-11-1930), là tổ chức tiền thân của MTTQ Việt Nam; Đoàn TNCS Việt Nam (thành lập ngày 26-3-1931), là tổ chức tiền thân của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Hội LHPN Việt Nam (ra đời ngày 20-10-1930)… Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, các tổ chức XHDS nước ta càng phát triển mạnh mẽ hơn. Cho đến nay số lượng đã lên tới hàng trăm tổ chức XHDS, nhất là ở các lĩnh vực hoạt động nhân đạo, từ thiện, các hội nghề nghiệp.
Thế nhưng trên không gian mạng gần đây người ta lại đang hô hào thành lập các tổ chức XHDS - cứ như nước ta chưa có tổ chức XHDS.
Vậy động cơ, mục đích của họ là gì?
Trước hết động cơ của những kẻ kêu gọi thành lập tổ chức XHDS là tạo ra những tổ chức chính trị để tập hợp lực lượng chống lại Nhà nước. Đây là “kinh nghiệm” quá cũ từ thời Liên Xô tan rã; hay như Tổ chức “Công đoàn đoàn kết” ở Ba lan; “Cách mạng nhung”, “Cách mạng sắc màu” ở Trung Đông, Bắc Phi (2010-2011).
Thủ đoạn hoạt động của các tổ chức XHDS mạng thường dựa vào những sự kiện chính trị, lịch sử, những vụ việc phức tạp, rồi đổ tất cả những khó khăn cho Đảng, Nhà nước và Chính phủ ta.
Phải khẳng định ngay rằng tất cả cái gọi “tổ chức XHDS mạng” đều không có tư cách pháp nhân. Đó chỉ là những weblog viết tắt là blog. Đây là một dạng nhật ký cá nhân trực tuyến, trên internet. Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam 2013 quy định: “Công dân có quyền… lập hội... Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” (Điều 25). Nghị định 45/2010, ngày 21-4-2010, “Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội”. Điều 9 Nghị định quy định các tổ chức Hội phải có “quyết định cho phép thành lập hội” của chính quyền. Hiện nay Quốc hội nước ta cũng đang xây dựng “Luật về Hội”.
Bởi vậy có thể nói Việt Nam cho đến nay không có khái niệm “tổ chức XHDS mạng”. Nói cách khác những người hoạt động tự xưng là “tổ chức XHDS mạng” là hành vi phạm pháp.
Tiến sĩ Cao Đức Thái (Nguyên Viện trưởng Viện Nhân quyền Học viện CTQG Hồ Chí Minh)