Cái bóng thực dân
Người dân Niger vẫy cờ Nga và cầm khẩu hiệu yêu cầu Pháp rời khỏi châu Phi trong cuộc biểu tình ở thủ đô Niamey của Niger ngày 3-8.
Năm 2021, ông Mohamed Bazoum là Tổng thống đầu tiên của Niger nhậm chức trong quá trình chuyển giao quyền lực dân chủ và hòa bình đầu tiên ở nước này kể từ khi độc lập từ Pháp năm 1960. Thế nhưng, ngay sau khi chính đội cận vệ của ông và quân đội thực hiện cuộc đảo chính và quản thúc ông ngày 26-7-2023, hàng loạt cuộc biểu tình lại nổ ra không phải để phản đối đảo chính mà là để phản đối Pháp và các đồng minh phương Tây. Đám đông hô vang “đả đảo Pháp” khi đập phá cổng Đại sứ quán Pháp ở thủ đô Niamey. Tại sao vậy?
Niger từng là thuộc địa của Pháp trong hơn 50 năm, trước khi giành độc lập vào năm 1960. Dù vậy, nhiều người Niger cho rằng Paris vẫn tiếp tục hành động như “mẫu quốc” với Niamey, khai thác tài nguyên của Niger và thao túng nền kinh tế. Xuất khẩu nhiều vàng và với vị trí là quốc gia khai thác uranium lớn thứ 7 thế giới nhưng vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới và phải nhận hàng trăm triệu USD cứu trợ mỗi năm. Khoảng 40% trong số 24,4 triệu dân Nige sống trong cảnh nghèo đói với mức thu nhập dưới 2,15 USD/ngày.
Số liệu thống kê cho thấy, 1/4 lượng uranium mà Niger sản xuất được đưa tới châu Âu, đặc biệt là Pháp, để phục vụ các nhà máy điện hạt nhân của nước này. Đó chỉ là một trong những mối liên hệ giữa Niger và Pháp dù với tư cách hai quốc gia độc lập nhưng ảnh hưởng của Paris với Niamey vẫn còn đó. Đáng buồn là ảnh hưởng đó lại mang lại nghèo khổ cho quốc gia lớn nhất Tây Phi này.
Bên cạnh phụ thuộc vào Pháp về kinh tế, Niger cùng 14 quốc gia Tây và Trung Phi cùng sử dụng đồng tiền Franc Trung Phi (CFA) gây rất nhiều tranh cãi. Các quốc gia sử dụng CFA được yêu cầu cất trữ 50% nguồn dự trữ của họ tại Ngân hàng trung ương Pháp. Trong khi Paris khẳng định hệ thống này thúc đẩy ổn định kinh tế, nhiều người nói rằng nó cho phép Pháp kiểm soát nền kinh tế của những nước sử dụng đồng CFA.
Về quân sự, Pháp và Mỹ vẫn duy trì lực lượng quân đội tại đây với lý do chống khủng bố. Mỹ triển khai khoảng 1.100 lính đồn trú ở Niger, cũng như thiết lập một căn cứ máy bay không người lái hỗ trợ quân đội Niger chống các nhóm nổi dậy liên kết với phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và al-Qaeda. Quân đội Pháp cũng duy trì hai căn cứ thường trực ở vùng Sahel, trong đó có một căn cứ tại thủ đô Niamey. Thế nhưng, số vụ bạo lực liên quan tới các nhóm Hồi giáo cực đoan ở vùng Sahel đã tăng mạnh kể từ năm 2021.
Như vậy, cả về kinh tế và quân sự, Niger vẫn trong sự cai quản của Pháp, cái bóng thực dân còn nguyên đó. Nói cách khác, Pháp áp dụng chính sách thực dân mới với Niger, tận dụng nguồn tài nguyên quý báu của Niger nhưng lại khiến người dân quốc gia Tây Phi này rơi vào nghèo đói cùng cực. Điều đáng nói là không chỉ ở Niger, các chính quyền quân sự đã lên nắm quyền ở 5 quốc gia Tây và Trung Phi trong 3 năm qua và những nước này đều từng là thuộc địa của Pháp.
Bị Pháp đô hộ, giành lại độc lập, tiếp tục hợp tác với Pháp để rồi biểu tình phản đối Pháp. Đây là xu thế trong nhưng năm gần đây ở nhiều nước Tây và Trung Phi. Chiến tranh và nghèo đói khi hợp tác với Paris cùng quá khứ thực dân ám ảnh khiến người dân ở các quốc gia này mất niềm tin với Pháp và phương Tây là điều dễ hiểu. Thế nhưng, tại sao họ lại chuyển sang thân với Nga?
Cuộc binh biến gần như không có tiếng súng ở Niger diễn ra trong bối cảnh Nga và phương Tây đang cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt ở châu Phi, nơi giới chuyên gia nói rằng làn sóng phẫn nộ gia tăng ở những nước thuộc địa cũ của Pháp đã để ngỏ cánh cửa cho Moscow cho dù không có dấu hiệu nào cho thấy Nga kích động đảo chính ở Niger. Trước đó, Tổng thống Nga - Vladimir Putin đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh với các lãnh đạo châu Phi ở T.P St. Petersburg. Tại Hội nghị này, ông Putin lên án chủ nghĩa thực dân phương Tây và trao cho châu Phi nhiều khoản hỗ trợ, như giảm nợ cho Somalia, thiết lập phòng thí nghiệm y tế lưu động cho Uganda, tặng trực thăng cho Tổng thống Zimbabwe, cũng như hứa tặng ngũ cốc miễn phí cho 6 nước châu Phi.
Nga cũng chỉ là một trong những quốc gia muốn tăng cường ảnh hưởng ở châu Phi. Thực tế cho thấy, Mỹ, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đều muốn hợp tác chặt chẽ hơn với khu vực này của thế giới. Trong cuộc cạnh tranh đó, Pháp đương nhiên có lợi khi người dân ở đây dùng tiếng Pháp, có mối giao thoa văn hóa và hợp tác kinh tế từ lâu. Ấy nhưng, khi cái bóng thực dân khiến đời sống của người dân rơi vào cảnh cùng cực, việc họ phải thay đổi để tìm ra một con đường mới cho mình là điều hiển nhiên.
Thanh Huyền