Cách xông chữa cảm cúm
Nhiều người khi bị cảm cúm thường dùng nồi lá xông để giải cảm. Các loại dược liệu thường dùng là: Lá bưởi, vỏ bưởi, lá chanh, cỏ mần trầu, lá sả, tía tô, kinh giới, hương nhu tía, bạc hà, lá gừng, củ gừng tươi, lá nghệ, lá tre, ngải cứu, cúc tần, trầu không... mỗi loại 1 nắm to (khoảng 100g).
Cho các loại lá đã chuẩn bị vào xoong đun sôi; để bệnh nhân ngồi trên mặt phẳng vững chắc, để nồi nước xông lên rồi trùm kín chăn lên toàn thân, người bệnh từ từ mở hé vung xoong ra cho hơi nóng tỏa ra ở mức độ nóng chịu được, xông khoảng 15-20 phút. Khi đã toát được mồ hôi, bệnh nhân dùng khăn bông lau khô người rồi thay quần áo.
Khi xông cần có một người ở bên để phục vụ và chăm sóc người bệnh. Sau khi xông xong, cho bệnh nhân ăn cháo trứng gà nóng có lá tía tô, hành hoa, tiêu bột, ớt, củ sả... Có thể xông từ 1 đến 3 ngày, tùy vào tiến triển của bệnh.
Lưu ý: Cẩn thận dễ bị bỏng nước sôi hoặc hơi nước quá nóng. Những trường hợp không được dùng phương pháp xông lá để trị bệnh bao gồm: Người đang sốt cao, sợ nóng, không sợ lạnh, không khát nước, ra nhiều mồ hôi; sốt siêu vi; cơ thể suy nhược; người già yếu; trẻ nhỏ, phụ nữ đang mang thai hoặc vừa mới sinh, phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt, người đang bị tiêu chảy, sốt xuất huyết, sau khi uống rượu, mắc bệnh ngoài da; người bệnh tăng huyết áp, tim mạch; người có biểu hiện bệnh tâm thần...
Minh Anh