Cách mạng công nghiệp 4.0 và vấn đề việc làm
Cái gì cũng có hai mặt, cơ hội mà cuộc cách mạng công nhiệp 4.0 mang lại lớn bao nhiêu, thì thách thức mà nó đặt ra cũng lớn bấy nhiêu.
Một trong những thách thức nghiêm trọng nhất là tình trạng thiếu việc làm. Chính xác hơn, đó là rủi ro trí tuệ nhân tạo và người máy sẽ cướp mất việc làm của người lao động.
Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế, 86% việc làm trong Ngành Dệt may Việt Nam sẽ bị người máy thay thế trong những năm tới. Tỷ lệ việc làm bị mất trong Ngành Da giày và không ít ngành khác cũng sẽ là con số tương đương.
Mặc dù, một số tổ chức khác như Diễn đàn kinh tế thế giới, Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển đưa ra những tỷ lệ việc làm bị mất thấp hơn là 47% và 8% lực lượng lao động. Thế nhưng, trong bất cứ trường hợp nào, việc làm bị mất sẽ là một vấn đề rất lớn của Việt Nam. Muốn hay không muốn, hàng triệu người Việt Nam đang phải đối mặt với rủi ro bị mất việc làm. Muốn hay không muốn, việc làm sẽ là một trong những vấn đề kinh tế - chính trị nóng bỏng nhất của đất nước trong thời gian sắp tới.
Vấn đề việc làm sẽ trở nên nóng bỏng ở Việt Nam còn vì một số nguyên nhân khác nữa.
Nguyên nhân thứ nhất là chủ trương tích tụ ruộng đất và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đứng trước sức ép của cạnh tranh và hội nhập, chủ trương này là hoàn toàn đúng đắn. Và, có lẽ, chúng ta cũng không thể có sự lựa chọn nào khác. Tuy nhiên, tích tụ ruộng đất để cơ giới hóa và áp dụng công nghệ cao sẽ lấy mất việc làm của hàng triệu người nông dân đang làm kinh tế theo mô hình hộ gia đình.
Vấn đề sẽ còn trở nên nghiêm trọng hơn khi mô hình kinh tế hộ gia đình này còn là “chiếc van an toàn xã hội” quan trọng của chúng ta. Từ trước đến nay, những người lao động bị mất việc làm ở các khu công nghiệp đều có thể trở về tìm kiếm việc làm trên những thửa ruộng của gia đình mình. Nếu “chiếc van an toàn” nói trên bị tháo gỡ, thì sắp tới chuyện thất nghiệp sẽ về quê làm ruộng là điều rất khó xảy ra.
Nguyên nhân thứ hai, tin hay không thì tùy, là chủ trương lập lại trật tự vỉa hè. Đây cũng là chủ trương đúng. Nhưng một số địa phương đã quá cực đoan trong công việc này. Tất cả những người bán hàng rong, tất cả những người hoạt động kinh tế liên quan đến vỉa hè đều bị cấm đoán. Mà như vậy, thì công ăn việc làm của bao nhiêu vạn người dân sẽ bị mất ở đây? Thật ra, trật tự vỉa hè không có nghĩa là vỉa hè chỉ để đi bộ. Bán hàng rong không ảnh hưởng đến việc đi bộ thì đó cũng là trật tự vỉa hè.
Cuối cùng, trong mọi chính sách kinh tế thì quan trọng nhất vẫn là chính sách việc làm. Điều này giải thích tại sao Tổng thống Mỹ - Trump đang có rất nhiều cố gắng thậm chí theo kiểu đi ngược chiều kim đồng hồ để bảo đảm việc làm cho người dân Mỹ như bảo hộ mậu dịch, thúc đẩy mở rộng sản xuất điện than…
Có biết bao nhiêu bài học về hậu quả của không có việc làm.
Người nghèo lại thất nghiệp thì cơ cực như “chị Dậu” rồi, khỏi phải nói. Nhưng ngay ở những người bỗng dưng giàu, cầm “một nắm tiền” đền bù mà thất nghiệp thì hậu quả trước sau cũng ập đến. Điển hình như nông dân được nhận tiền đền bù đất ở những khu công nghiệp nước ta thời gian qua: Người giàu vừa vừa thì sắm xe máy, mua ti vi; người giàu kha khá thì phá nhà ngói, xây nhà mái bằng, thậm chí mua ô tô…
Cùng với những đồ dùng sinh hoạt sang trọng ấy, lại “ăn trắng mặc trơn” vô hình trung hình thành ở họ tâm lý ngại lao động, thích hưởng thụ. Nhưng đến khi tiền để hưởng thụ hết, ruộng lại không còn. Mà dù có còn thì họ cũng không còn quen cảnh chân lấm tay bùn nữa, dẫn đến những hậu quả thật đau lòng, băng hoại đạo đức, văn hóa nông thôn bị phá vỡ.
Đó chính là hậu quả của thất nghiệp. Chính vì thế đối với nước ta, phản ứng chính sách thế nào để giải quyết việc làm trước áp lực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng phải là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Nếu chúng ta không sớm có những phản ứng chính sách ngay từ bây giờ, mọi việc có thể trở nên quá muộn trong một vài năm tới.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng