Các dự án FDI giải ngân được hơn 8 tỷ USD trong 9 tháng (27/09/2012)

Theo báo cáo này, trong 9 tháng qua, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 8,1 tỷ USD, xấp xỉ cùng kỳ 2011. Tuy nhiên, vốn FDI đăng ký chỉ đạt 9,53 tỷ USD, giảm 27,9% so với cùng kỳ năm 2011.

Về tỷ trọng vốn đầu tư, công nghiệp chế biến, chế tạo đứng đầu trong thu hút vốn FDI với 6,24 tỷ USD, chiếm 65,5% tổng số vốn. Tiếp đến là bất động sản, gồm 8 dự án đăng ký mới và 3 dự án tăng vốn nhưng thu hút tới 1,8 tỷ USD, chiếm 19%. Sau đó là các ngành bán buôn bán lẻ, sửa chữa thu hút được hơn 400 triệu USD…

Xét theo địa phương, Bình Dương vượt lên là tỉnh thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước với 2,16 tỷ USD, 74 dự án cấp mới và 53 lượt dự án tăng thêm, chiếm 22,7% tổng số vốn FDI đăng ký. Hải Phòng đứng thứ 2 với gần 1,1 tỷ USD, kế tiếp là Đồng Nai thu hút hơn 991 triệu USD).

Trong số 775 dự án được cấp mới trong 9 tháng đầu năm chỉ có 1 dự án có vốn đầu tư trên 1 tỷ USD trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản; có 64 dự án có quy mô từ 10 triệu USD trở lên (chiếm 8,5% số dự án) với tổng vốn đầu tư 5,29 tỷ USD.

Các dự án đáng chú ý nhất trong thu hút vốn FDI 9 tháng đầu năm là: Công ty cổ phần Viễn thông Việt - Nga, Liên doanh Alltech Telecom Ltd (Altech) với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Cty TNHH cung cấp Giải pháp dịch vụ giá trị gia tăng của nhà đầu tư Síp với tổng vốn đầu tư 375 triệu USD.

Một điểm nổi bật khác là trong tổng vốn FDI thu hút 9 tháng đầu năm, có khoảng gần 50% vốn đăng ký của các doanh nghiệp Nhật Bản, với 203 dự án cấp mới và 82 lượt dự án tăng thêm, tổng số vốn đạt 4,68 tỷ USD.

Bảo Lâm