Các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ
Các phương tiện, máy móc được huy động để khắc phục các tuyến giao thông bị sạt lở trên địa bàn huyện Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa).
Theo tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai (PCTT), tính đến chiều 5-8, mưa lũ đã khiến tám người chết, 11 người mất tích; 47 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 50 nhà bị thiệt hại nặng, 187 nhà bị thiệt hại một phần. Hiện, các địa phương đang tiếp tục tìm kiếm người mất tích, huy động các lực lượng cứu trợ, thiết lập, duy trì thông tin liên lạc tại các địa bàn, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực bị chia cắt.
★ Tại tỉnh Thanh Hóa, mưa lũ đã khiến 59 ngôi nhà ở các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa bị hư hỏng hoàn toàn, 65 ngôi nhà bị hư hỏng nặng, 907 nhà bị ngập, 16 hộ phải di dời khẩn cấp và 1.154 hộ phải sơ tán. Giao thông trên các tuyến quốc lộ 15, 15C, 217 qua những huyện Mường Lát, Quan Sơn, Bá Thước... bị sạt lở 92 điểm, khối lượng sạt lở khoảng 31.000 m3 và 15 điểm bị ngập. Tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các đồn biên phòng đóng trên địa bàn trực 100% quân số, tăng cường phối hợp các lực lượng và chính quyền địa phương tuyên truyền vận động người dân phòng lũ, lụt, di dời đến những nơi an toàn. Sáng 5-8, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể nạn nhân Lò Thị Quạm bị lũ vùi lấp tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, Quan Sơn.
★ Đến sáng 5-8, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) đã vận chuyển được 200 thùng mỳ tôm, năm tấn gạo cứu trợ người dân. Trong những ngày tới, huyện tiếp tục tập trung lực lượng cứu trợ, dựng lại nhà cho bà con, tìm kiếm người mất tích.
★ Tại tỉnh Sơn La, ngày 5-8, chính quyền và lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể nạn nhân bị lũ cuốn trôi ngày 4-8. Đó là anh Đinh Văn Học 33 tuổi, trú tại bản Cang, xã Quang Huy, huyện Phù Yên.
Trong đợt mưa lũ tại tỉnh Sơn La, có hai người bị chết do lũ cuốn trôi, 190 nhà bị thiệt hại; 30,1 ha lúa, 278 ha rau màu, cây ăn quả tập trung bị ngập, 600 con gia cầm bị cuốn trôi; 4,66 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, gây thiệt hại hoàn toàn... Ước tổng thiệt hại 28,035 tỷ đồng.
★ Tại tỉnh Yên Bái, trong ngày 5-8 tiếp tục có mưa, mực nước sông Hồng dâng cao khiến một số đoạn tràn trên đường dâng cao gây ngập, giao thông bị chia cắt. Tại xã An Lương, huyện Văn Chấn, mưa lũ đã khiến ba cầu tạm bị cuốn trôi, sạt lở bờ kè cầu treo Mảm 2, một số diện tích lúa bị ngập và đổ... Ước thiệt hại do mưa lũ tại Yên Bái 250 triệu đồng.
★Khoảng 9 giờ sáng 5-8, tại Km 9+100, tỉnh lộ 152 thuộc địa phận xã Hầu Thào, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã xảy ra vụ sạt lở đất, khoảng 300 m3 đất đá từ ta-luy dương vùi lấp mặt đường. Hậu quả, anh Giàng A Chỉnh (sinh năm 1987), trú tại thôn Giàng Tả Chải Dao, xã Tả Van, huyện Sa Pa (Lào Cai) chết. Mưa to cũng khiến nước và bùn đất đá tràn vào nhà 20 hộ dân ở phố Thạch Sơn, thị trấn Sa Pa.
★ Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn tiếp tục có mưa lớn trên diện rộng. Tính đến chiều 5-8, mưa lũ đã làm tốc mái, sạt lở đất, đá từ ta-luy dương vào nhà 11 hộ dân; làm gãy, đổ, ngập 60 ha lúa, 23 ha ngô, 2 ha mía ở huyện Na Rì, Chợ Mới; sạt lở 9.184 m3 đất, đá trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ; hư hỏng 40 công trình thủy lợi; gãy, đổ một cột điện. Ước tính thiệt hại khoảng 5,3 tỷ đồng.
★ Mưa to đến rất to khiến lưu lượng nước lũ đổ về các sông Nậm Nơn, Nậm Mộ... (Nghệ An) rất lớn, khiến một số nhà máy thủy điện buộc phải xả lũ. Riêng hồ chứa thủy điện Bản Vẽ, nước lũ đổ về rất nhanh. Đây là đợt lũ lịch sử với tần suất lũ 20 năm mới xảy ra một lần. Hiện, mực nước ở hồ thủy điện Bản Vẽ đạt cao trình 170 m, trên mực nước chết là 15 m và sẵn sàng tham gia cắt các đợt lũ tiếp theo cho vùng hạ du.
★ Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, ngày 5-8, tại vị trí K60+865 đến K60+985 tuyến đê tả Đáy, thuộc địa bàn thôn Giang Đường, xã Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) xảy ra sự cố sạt lở mái đê. Chiều dài cung sạt lở khoảng 120 m, rộng khoảng 8 m. Ngoài ra, tại vị trí K79+490 và K79+650 thuộc xã Đội Bình (huyện Ứng Hòa) cũng xảy ra sạt trượt.
★ Hiện nay, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) có gần 300 hộ dân ở ba xã Mường Típ, Mường Ải, Mỹ Lý nằm trong diện phải di dời khẩn cấp do sinh sống gần sông suối, gần ta-luy dương hoặc trên các sườn núi cao có kết cấu địa chất yếu, nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá cao. Sau khi được chính quyền vận động, tạo điều kiện, đến nay hơn 50% hộ dân đã di dời đến điểm mới để ổn định cuộc sống.
★Chiều 5-8, UBND tỉnh Cà Mau cho biết, thời tiết cực đoan những ngày qua đã tác động bất lợi đến đời sống cư dân ven biển. Hậu quả, đã làm một người chết, một người bị thương; sập 91 nhà, tốc mái 472 căn nhà; sạt lở đất ven sông với chiều dài 62 m, làm thiệt hại hai căn nhà; ngập 1.843 căn nhà, một trường học và 2.540 m lộ giao thông. Ước tính thiệt hại ban đầu hơn 22 tỷ đồng. Ngoài hư hỏng tài sản, triều cường dâng cao bất thường còn khiến nước biển tràn qua toàn tuyến đê biển Tây, trong đó, đoạn Đá Bạc - Kinh Mới (thuộc huyện Trần Văn Thời) bị sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài 356 m, nguy cơ phá vỡ đê, buộc tỉnh phải thực hiện các giải pháp hộ đê khẩn cấp.
★ Tại tỉnh Kiên Giang, do ảnh hưởng của mưa, lốc xoáy, toàn tỉnh đã có gần 200 căn nhà bị thiệt hại, trong đó có sáu nhà bị cuốn trôi ra biển, 49 nhà bị sập hoàn toàn, 76 nhà tốc mái, 63 nhà bị ngập nước.
★ Liên tiếp trong bốn ngày (từ 2 đến 5-8) trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu xảy ra mưa lớn kèm dông lốc mạnh khiến 25 nhà bị sập và tốc mái; khoảng 9.000 ha hoa màu bị ảnh hưởng nặng.
★ Ngày 5-8, UBND huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang thông tin, những ngày qua, sông Ông Chưởng chạy qua ấp Long Hòa 1, xã Long Kiến đã xuất hiện vết nứt dài 150 m, ăn sâu vào đất liền hơn 10 m đe dọa sạt lở tuyến tỉnh lộ 946 huyết mạch đoạn từ Km 17+210 đến Km 17+350.
★ Tại tỉnh Sóc Trăng, tính từ 31-7 đến 5-8, mưa to, lốc xoáy đã khiến 360 căn nhà bị thiệt hại. Trong đó, có 79 nhà bị sập hoàn toàn, 272 nhà bị tốc mái; chín nhà bị sạt trôi xuống sông. Trên địa bàn tỉnh còn có hơn 20 khu vực có nguy cơ sạt lở cao với tổng chiều dài gần 40 km.
★Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, sáng 5-8, trên dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 17-20 độ vĩ bắc, hình thành một vùng áp thấp có vị trí ở vào khoảng 17,5 - 18,5 độ vĩ bắc; 116,5-117,5 độ kinh đông. Dự báo đến 11 giờ ngày 6-8, vùng áp thấp này ít di chuyển và chưa có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới các vùng biển từ Bình Thuận đến Kiên Giang, vịnh Thái-lan, khu vực Biển Đông có mưa rào và dông. Trong cơn dông, có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và nam Biển Đông có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Sóng biển cao từ 2 đến 4 m. Biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.
Lũ trên sông Thao đang dao động ở mức báo động 2, sông Bưởi và sông Mã đang xuống chậm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt vùng trũng ở miền núi Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.